Lá đỏ còn đây, tim mình còn đầy (Iwate – Day 5, phần 2)

Sau khi rời Motsu-ji, tôi nhảy lên Loop-line bus có tên gọi hết hết sức dễ thương là Run Run (Chạy Chạy) để đến với cụm đền chùa Chuson-ji. Để lên “khu phức hợp” đền chùa này, từ cổng vào, tôi phải leo dốc gần một cây số. Đường đi đẹp mộng mơ với hàng cây tùng và thông hai bên cao vút xen lẫn với cây phong rợp lá vàng lá đỏ điểm xuyết cho mùa đông thêm ấm áp.

Chuson-ji được xây dựng vào thế kỉ 12, khởi đầu với lãnh chúa Fujiwara no Kiyohira dời thủ phủ của mình từ Esashi về Hiraizumi và cho xây dựng ngôi chùa “bảo ngọc” với tên gọi Taho-ji. Sau đó, ông cho xây dựng ngôi chùa cao 2 tầng lầu và đặt tên Daichoju-in. Cuối cùng, vào năm 1124, “chùa vàng” Konjikido cũng hoàn thành. Đền thờ Phật Tổ và bốn cột chống mái bệ thờ được dát vàng miếng cả bên trong lẫn bên ngoài. Đền thờ còn được điểm xuyết bởi xà cừ lấp lánh trắng bạc. Chính thiết kế dát vàng và xà cừ độc đáo này đã giúp Chuson-ji trở thành “Quốc bảo” (báu vật quốc gia). Sau nhiều thế kỉ một mai điêu tàn, đền thờ Phật dát vàng Konjikido là nơi thờ phượng duy nhất còn sót lại của thời Heian. Các tổ chức trùng tu đã xây dựng lại chánh điện để che chở cho Đền thờ vàng Konjikido.

Sau khi đã lác mắt ngắm Đền vàng Konjikido, tôi rời chánh điện để đi ngắm nhìn những khu đình Shinto nhỏ xung quanh. Trước khi vào khu đền nhỏ tiếp theo, tôi đi qua một cổng đền torii màu đỏ tươi rất bắt mắt.

Torii là biểu tượng truyền thống trong Shinto giáo của Nhật và thường được đặt trước hoặc giữa khu đền Shinto. Cổng đền torii có màu đỏ tươi để đánh dấu quá trình gột rửa sự trần tục để trở nên thuần khiết trong suy nghĩ của con người. Khi bước qua cổng torii, con người như đã bước vào vùng đất thiêng liêng của các vị thần nên con người cũng cần gạt bỏ hết mọi suy nghĩ tiêu cực hay độc hại trong đầu để có thể toàn tâm toàn ý dâng lên những lễ vật giản đơn và lòng biết ơn của mình vì những gì mình đang có.

Có những ngôi đền nhỏ bằng gỗ mộc mạc nhưng tinh tế mà tôi không thể nhớ nổi tất cả tên gọi, chỉ thấy dạt dào cảm xúc sao mọi thứ lại hoà quyện đẹp đến thế. Tôi cực kì yêu những ngôi nhà gỗ (dù đó là chùa chiền hay nhà thờ, nơi thờ phượng tôn giáo hay nhà ở) được trang điểm bởi cây lá và hoa dung dị nhưng đầy chất thơ.

Và lá đỏ. Lại là lá đỏ. Lá đỏ phủ rợp khắp nơi, trên tán cây và thậm chí lá rụng nhiều tạo thành một tấm thảm đỏ sẫm làm nao nức bao trái tim. Làm sao có thể kiềm lòng không trầm trồ trước cảnh trí lộng lẫy thế này? Nắng chiều vàng lắm khiến con người ta chỉ muốn đứng một chỗ, chờ cho chiếc lá đỏ rung rung rồi rơi xuống tóc xuống vai. Tôi cũng thế nhưng có điều ham muốn của tôi còn mãnh liệt hơn. Tôi chỉ muốn nhảy lăn lộn trong tấm thảm lá đó như một chú mèo lâu lâu mới được cho ra vườn chơi.

Tôi ghé vào một nhà hàng trên triền đồi nhìn xuống thung lũng, gọi món soba chay nóng và một ly cafe au lait rồi ra ban công ngắm rừng thông. Tự nhiên, tôi nghĩ đến mẹ tôi. Nếu bà ở đây chắc bà sẽ vui lắm. À ừ, bà gửi tin nhắn càm ràm với tôi tại sao không cho bà đi cùng. Tôi đâu nghĩ sẽ thấy được cảnh sắc đẹp thế này. Tôi cứ ngỡ sẽ toàn tuyết là tuyết trắng xoá, cây rụng lá trơ trụi khô khốc. Đặc biệt mẹ tôi không chịu được lạnh, nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, mẹ tôi sẽ mệt vì không quen với khí lạnh và dễ ho cảm. Nhưng nếu có ho cảm mà được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thế này thì cũng đáng quá đi chứ. Tôi thì nghĩ thế đấy chứ tôi chả biết bà ở nhà nghĩ gì.

Tôi rời Chuson-ji khi trời bắt đầu ngả ráng chiều. Nắng vẫn rực rỡ xuyên qua tán cây. Cảnh thiên nhiên vẫn lãng mạn hơn bao giờ hết. Tôi đi trên con đường dốc xuống đường lớn để ra chỗ đón xe bus Run Run về lại ga tàu Hiraimizu, hai bên đường thông mọc cao vút, gió bắt đầu thổi mạnh hơn để giúp lá thông ca hát. Chim chóc bắt đầu bay về tổ từng đàn. Ừ, cũng đến lúc tôi phải về với cái tổ tạm ấm áp cùng chú mèo mun Conte béo ú, háu ăn và nói nhiều cùng mẹ host hiền hậu tốt bụng của mình rồi.

(Còn tiếp)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s