
Khi còn làm ở Visa, tôi đăng ký trở thành tình nguyện viên của Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc. Hồ sơ của tôi đã được duyệt hết cho đến khi sếp Marketing ở Châu Á Thái Bình Dương buông 1 câu “Để Hà nó đi làm tình nguyện viên 3 tuần ở Hàn Quốc thì còn ai làm marketing cho thị trường Việt Nam nữa? Rủi ro lắm”. Thế là tôi bị rớt ra khỏi danh sách tiềm năng được đi Hàn Quốc 3 tuần. Cũng vừa hay, Thế Vận Hội Mùa Đông lại rơi đúng vào dịp Tết Nguyên Đán nên tôi không bỏ cuộc và quẩy vali túi xách lên đường đi Hàn Quốc 10 ngày để thoả ước mơ được dự một sự kiện thể thao toàn cầu mà tôi yêu thích nhất.
Nếu bạn hỏi tôi có thích Hàn Quốc không, tôi xin được trả lời là … không hẳn. Vấn đề nằm ở chỗ tôi đã đi Nhật Bản quá nhiều và khi đến Hàn Quốc, tôi không thể không so sánh những điểm tương đồng hay khác biệt giữa 2 quốc gia này. Và với tôi, Nhật Bản tinh tế hơn, nghệ thuật hơn và có lịch sử phong phú hơn Hàn Quốc rất nhiều. Lý do duy nhất khiến tôi đến Hàn Quốc chính là Thế Vận Hội Mùa Đông. Đơn giản vậy thôi.

Tôi sẽ không viết là mình xin visa thế nào vì mọi thứ được làm theo đúng quy trình trên trang web của lãnh sự Hàn Quốc. Tôi đặt chân xuống Seoul lúc cây cối đã trụi lá, tuyết bắt đầu rơi và tôi đi tàu điện về chỗ homestay của mình. Chỉ vài ngày ở Seoul mà tôi đặt phòng tại 3 vị trí khác nhau để có thể trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại đây. Đầu tiên, tôi ở nhà 1 cô bạn Mỹ gốc Hàn Quốc tên Lydia. Hai đứa vừa gặp nhau là đã thấy thân thiết như đã quen từ lâu lắm. Nhà Lydia có 1 cô cún tên Jesse khá mắc cỡ với người lạ nhưng lại làm quen với tôi rất nhanh.

Lydia chỉ cho tôi những chỗ nên đi ăn, thậm chí dẫn tôi đi uống bia craft tại một quán pub địa phương mà cô ấy yêu thích. Lydia lớn lên ở Mỹ nhưng quay về Hàn Quốc cùng em gái và hùn vốn mở một công ty nhỏ sản xuất soda trái cây giải khát tại Seoul. Lydia giao tiếp bằng tiếng Hàn rất ổn nhưng cô thừa nhận rằng khả năng viết lách bằng tiếng mẹ đẻ của cô cực kỳ tệ. Cô đăng ký đi học thêm lớp dạy viết tiếng Hàn vào buổi tối và cô gặp được rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự cô ở lớp học này. Những người Hàn Quốc xa xứ nay trở về nhưng phải học lại chính tiếng nói mẹ đẻ của mình, đồng thời, tìm cách thắt chặt mối dây nối giữa bản thân và nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Tôi đến thăm làng cổ Hanok Bukchon – nơi thu hút rất nhiều du khách thuê trang phục Hanbok truyền thống của Hàn Quốc đến đây chụp hình. Theo như cảm nhận của tôi thì ngôi làng cổ này cũng không có gì quá đặc biệt. Tôi cảm thấy ngột ngạt vì khách du lịch kéo đến đây rất đông, mỗi góc nhà có vẻ “ăn ảnh” một tí là sẽ có một hàng nam thanh nữ tú trong trang phục Hanbok chờ đến lượt mình tạo dáng chụp hình. Tôi đi vào trong một số ngõ ngách trong ngôi làng này mong tìm được một góc nhà rêu phong đậm cảm xúc nhưng thú thật là tôi không tìm ra được một điểm nào hấp dẫn. Thế là tôi ra về, đổi ý sang đi bảo tàng dân tộc & lịch sử ngay gần thành cổ Gyeongbukung.
Một chuyến dạo quanh bảo tàng cho tôi thấy lịch sử hình thành và nếp sống của người Hàn từ thủa xa xưa cho đến khi máy móc tự động hoá xuất hiện. Quả thật lịch sử của dân tộc này không có gì đặc sắc. Khí hậu rất khắc nghiệt, tài nguyên lại hiếm hoi nên người Hàn không còn lựa chọn nào khác ngoài phát triển kinh tế bằng cách mạng công nghiệp và giải trí. Cái hay đáng học hỏi từ dân tộc Hàn là sự sáng tạo trong những công trình mang tính giải trí, đặc biệt từ lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, ca nhạc và thời trang. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều cửa hàng thời trang độc đáo, phụ kiện thời trang cao cấp được tạo ra bởi những nhà thiết kế địa phương tại khu Itaewon hoặc Myeongdong. Đặc biệt khi bạn xem phim Hàn Quốc, trang phục và phụ kiện cho đến điện thoại hay máy tính đều là 100% thương hiệu nội địa. Đây cũng chính là một phần của trào lưu Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) du nhập vào các nước châu Á, mở đường cho việc đẩy mạnh nhập khẩu và quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Hàn Quốc. Đây cũng chính là bài học họ rút ra từ làn sóng TVB của Hong Kong hoặc Anime của Nhật Bản vài thập kỷ trước đó.

(Còn tiếp)