Sense & Sensibility – Khi tình cảm và lý trí cần nhau

Đêm 30 Tết, tôi vào Netflix mở phim vu vơ để xem để giải trí vì tôi không muốn tham công tiếc việc thêm nữa vào những ngày cận Tết. Tôi mở dòng phim cổ điển và chọn Sense & Sensibility của Anh Quốc chỉ vì tôi rất thích hai diễn viên trong phim là Emma Thompson và Alan Rickman (là diễn viên thủ vai Giáo sư Snape trong các tập phim Harry Potter).

Sense & Sensibility (Tình cảm & Lý trí) phiên bản 1995 với kịch bản được viết bởi chính Emma Thompson dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ tác gia Jane Austen vào năm 1811. Tôi đã “nhai” cuốn tiểu thuyết này không biết bao nhiêu lần và mỗi lần xem lại bộ phim phiên bản 1995 này, tôi không khỏi xao xuyến. Bộ phim quy tụ hàng loạt diễn viên gạo cội của Anh Quốc như Alan Rickman, Emma Thompson, Hugh Grant, Kate Winslet, Hugh Laurie, Imelda Staunton, Richard Lumsden…

Tôi sẽ không kể mạch truyện trong phim vì nếu muốn biết, bạn nên đọc tiểu thuyết này hoặc xem phim. Jane Austen là một nữ tác gia hiếm hoi và nổi tiếng của thế kỷ 19. Bà đã vượt qua bao hoài nghi và ánh nhìn dè bỉu thậm chí lạnh lùng của xã hội Anh lúc đó vì phụ nữ bị cho là không nên “đọc” thậm chí là “sáng tác” vì những hoạt động đó sẽ làm mất đi vẻ nữ tính và phụ nữ thông minh thì sẽ khó có thể lập gia đình.

Jane Austen chấp nhập những suy nghĩ áp đặt của cả xã hội xung quanh bà và liên tục vươn lên với những tác phẩm kinh điển vượt thời gian như Kiêu hãnh & Định kiến; Tình cảm & Lý trí; Emma; Thuyết phục (Persuasion); Vườn Mansfield (Mansfield Park). Trong những tác phẩm này, Tình cảm & Lý trí có lẽ là tiểu thuyết … ít lãng mạn nhất của Jane Austen. Tiểu thuyết là một sự cân bằng hoàn hảo giữa khao khát bộc lộ tình cảm thuần khiết, sự khổ đau và sự dồn nén cảm xúc bởi những rào cản nghiệt ngã của xã hội đặc biệt là tầng lớp quý tộc Anh.

Sự đối nghịch được thể hiện rõ rệt nhất thông qua tính cách của hai chị em nhà Dashwood, Elinor và Marianne. Elinor là hình tượng một cô chị lớn yêu thương, hy sinh tất cả vì gia đình, đè nén cảm xúc bằng lý trí mạnh mẽ nhất. Marianne là cô em gái trẻ trung, tràn đầy sức sống và sự bồng bột, lãng mạn một cách mù quáng của tuổi thanh xuân. Sự ngây thơ bướng bỉnh của Marianne được thể hiện rõ qua mối tình ngắn ngủi nhưng đầy giông bão của cô với anh chàng điển trai John Willoughby, người vì rào cản của xã hội đã bỏ rơi cô để chạy theo cô tiểu thư từ một gia đình quý tộc giàu có hơn. Marianne say mê với tình yêu bồng bột của mình và gạt bỏ mọi lý trí và suy nghĩ cũng như sự chân thành quan tâm của đại tá Brandon, một quý ông đúng nghĩa, điềm đạm, chính trực và lịch thiệp đến mức không biết phải làm sao để “mê hoặc” một cô gái.

Elinor Dashwood thì ngược lại. Biết bao lần cô nuốt nước mắt ngược vào tim khi phải chứng kiến người mình yêu, Edward Ferrar (đóng bởi Hugh Grant điển trai và ngọt ngào), đi thực hiện những thương vụ ở nơi xa xôi. Đau đớn hơn, cô phải chịu đựng sự giày vò khi hôn thê bí mật của Edward là Lucy Steele thổ lộ về việc hai người đính hôn trong bí mật và làm sao để có thể đến được với nhau khi gia đình Ferrar không chấp nhận bất cứ cô gái nào bước vào cửa nhà họ mà gia cảnh không môn đăng hộ đối với họ. Emma Thompson đã có một vai diễn tuyệt vời với những cảm xúc đè nén rất thật, những khoảnh khắc đau khổ vỡ tim làm tôi phải bật khóc cùng.

Sự chân thật trong diễn xuất của Emma Thompson đã giúp cho Elinor Dashwood nổi bật lên như một “nữ anh hùng” trong toàn bộ tác phẩm. Cô đã chọn “cao thượng” và hy sinh tình yêu của chính mình. Tôi không thể hình dung được nỗi đau của cô khi phải đích thân nói với Edward Ferrar về lời đề nghị giúp đỡ của đại tá Brandon để anh có thể hoàn thành mối lương duyên bí mật với Lucy Steele khi gia đình anh phát hiện và khước từ quyền thừa kế của anh. Elinor có quyền cười mỉa mai nỗi ô nhục bị gia đình khước từ quyền thừa kế mà Edward phải hứng chịu nhưng cô không làm thế. Tình yêu thuần khiết của cô dành cho Edward vẫn không bị vấy bẩn bởi những ghen tuông và dị nghị của những người xung quanh. Cô vẫn dịu dàng, đầy quan tâm và ấm áp dù tim đang vỡ thành nghìn mảnh.

Jane Austen cũng là một tác giả đầy nhân đạo khi bà cho các nhân vật của mình được hưởng hạnh phúc sau những khổ đau và tan vỡ mà họ phải chịu đựng. Tôi chảy nước mắt khi Elinor oà lên khóc không kiểm soát khi Edward xuất hiện thăm cô để báo rằng Lucy đã bỏ anh để kết hôn với em trai anh là Robert Ferrar. Elinor bấy lâu vẫn nghĩ rằng Edward sau khi được đại tá Brandon giúp đỡ đã có một cuộc sống hạnh phúc với Lucy Steele. Lúc nhận ra khao khát hạnh phúc của mình nay có cơ hội trở thành một giấc mơ có thật, Elinor đã không còn đè nén thêm được nữa. Cô quyết định để cảm xúc của mình bùng nổ sau bao dồn nén. Đó chính là một trong khoảnh khắc đẹp nhất của tác phẩm khiến khán giả vỡ oà hạnh phúc cùng nhân vật.

Một nhân vật nữa khiến tôi cảm động chính là đại tá Brandon. Alan Rickman đã chứng tỏ được rằng ông là một diễn viên có khả năng đóng những vai diễn đa dạng, từ chính nghĩa đến phản diện. Đại tá Brandon có lẽ là vai diễn lãng mạn nhất của Alan Rickman, bên cạnh cô gái trẻ Marianne Dashwood thủ diễn bởi Kate Winslet.

Đại tá Brandon là một người đàn ông của kỷ luật, sự cao thượng và chân thành. Ông dành nhiều tình cảm cho Marianne trẻ trung như đoá hoa dại tươi tắn nhưng ông lại không biết những “chiêu mánh” để quyến rũ những cô tiểu thư thời đấy. Bên trong vẻ ngoài nghiêm nghị có phần lạnh lùng, bặt thiệp, đại tá Brandon lại sở hữu một trái tim ấm áp và yêu thương, sẵn sàng làm mọi thứ vì tình bạn và tình yêu.

Việc ông bất chấp rủi ro bị phán xét để đưa ra lời khuyên và hỗ trợ Edward Ferrar lúc anh bị cả gia đình ruồng bỏ, mất hết thanh danh đã chứng minh tính hiệp nghĩa của Brandon.

Việc ông chia sẻ nỗi lo âu của Elinor về sự đau khổ của em gái khi bị phụ tình và cách ông cầu chúc Marianne chóng tìm được hạnh phúc bên người cô yêu cũng cho thấy đại tá Brandon cũng giống như Elinor, để cho lý trí đè nén trái tim chỉ vì muốn thấy người mình yêu được hạnh phúc.

Việc ông chạy điên cuồng trong cơn giông để tìm thấy Marianne đang gục ngã vì người yêu bỏ theo cô tiểu thư danh giá khác, bế cô về và sẵn sàng làm mọi thứ để mong thấy Marianne vượt qua cơn bạo bệnh để khoẻ lại. Nhìn ông rũ rượi, mệt mỏi như một chiến binh đại bại, nói với Elinor rằng hãy giao cho ông làm việc gì đó nếu không ông sẽ phát điên vì tuyệt vọng, tôi không thể không chảy nước mắt trước một tấm lòng yêu thương giản dị và chân thành của đại tá Brandon.

Mọi sự cố gắng và chân tình của Brandon rồi cũng được đền đáp khi Marianne tỉnh lại sau cơn hôn mê, trong vòng tay của mẹ cô, nhìn Brandon nói cảm ơn. Chỉ trong tích tắc, diễn xuất của Alan Rickman đã cướp luôn trái tim của tôi khi vẻ mặt mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ của đại tá Brandon bỗng giãn ra, mắt ông ánh lên niềm vui dù ông hoàn toàn không nở nụ cười, nét nghiêm nghị bặt thiệp vẫn y nguyên. Ánh mắt đầy xúc cảm lẫn lộn của đại tá Brandon lúc đó cũng là một trong những khoảnh khắc khó quên và cảm động nhất của bộ phim khi tình yêu chân thành được cảm nhận và trân quý.

Marianne sau cơn thập tử nhất sinh cũng nhận ra đâu mới là bến bờ hạnh phúc thật sự của mình. Cô bắt đầu đón chào đại tá Brandon đến với mình, để cho ông đọc sách cùng cô ngoài trời nắng đẹp. Mắt cô sáng lấp lánh và cô luôn hát những bài hát đầy tươi vui khi nhận được món quà từ đại tá Brandon là chiếc đàn piano mà cô hằng mơ ước có được. Cô học cách trân trọng những phẩm chất quý giá của đại tá Brandon và tìm cách thích nghi với vẻ ngoài bặt thiệp ít thể hiện cảm xúc của ông. Rồi cái kết đẹp như mơ cũng đến khi cả hai tiến đến đám cưới với sự chúc phúc của cả thị trấn vì họ cũng nhận ra rằng Brandon và Marianne sinh ra là dành cho nhau.

Jane Austen đã đập bỏ những định kiến của xã hội thượng lưu Anh Quốc lúc bấy giờ về việc những cô tiểu thư phải tìm mọi cách lấy chồng giàu có và địa vị danh giá. Bà cho Marianne tự do bộc lộ tình cảm của mình, sự thất vọng trước sự thật phũ phàng trong buổi tiệc khiêu vũ của giới quý tộc. Marianne chủ động theo đuổi tình yêu của mình dù tất cả những gì cô nhận được là một cái tát đau đớn của cái nghèo khi cha cô qua đời, không để lại của hồi môn giúp các con gái có thể tìm được tấm chồng xứng đáng. Marianne bất chấp mọi định kiến đi tìm John Willoughby để rồi cay đắng nhận ra giữa họ là một bức tường quá cao, quá cứng rắn được tạo nên bởi tiền bạc và danh vọng. Nhưng rồi tình yêu chân chính cũng như chính nghĩa cũng tìm được con đường riêng của mình.

Jane Austen cũng dùng chính nhân vật cô gái bốc đồng Marianne để gửi gắm một thông điệp về việc chúng ta đôi khi cũng cần nhìn và trân trọng những niềm vui giản đơn, những con người chân thành yêu quý mình. Tình yêu cần được vun trồng, chăm sóc và nảy nở từ niềm tin và sự cảm thông. Và không một tình yêu nào, dù là tình yêu trai gái hay tình yêu giữa hai chị em gái mà không phải đi qua thử thách chông gai.

Marianne cũng thể hiện một phần cuộc đời của Jane Austen. Bà chọn một cuộc sống cống hiến hoàn toàn cho nghiệp sáng tác văn chương. Bà mong cầu được tự do thể hiện chính kiến và cảm xúc cá nhân sau những tác phẩm với những nhân vật nữ đạp đổ những rào cản xã hội và chiến đấu vì tình yêu của bản thân. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến bà từ bỏ hôn sự với Harris Bigg-Wither, tiếp tục sống độc thân và đem đến cho đời những tác phẩm lãng mạn nhưng mạnh mẽ, ngập tràn cảm hứng cho cả nam và nữ giới. Cuộc đời và những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen còn gióng lên một thông điệp rằng dù bạn có chọn hướng đi nào, bạn cũng nên có cả cảm xúc và lý trí trong hành trình mưu cầu hạnh phúc.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s