Với ngày mà nhiều người xem là “Đại lễ của dân tộc”, tôi lại cảm thấy cảm xúc lẫn lộn. Gia đình tôi đã từng là một phần trong bức tranh hỗn độn trong thời kì đen tối đó, khi cuộc chiến phân định hai bên thắng thua đồng thời đem lại nhiều cay đắng và chua chát cho hầu hết mọi người.
Chiến tranh chưa bao giờ là bức tranh đẹp vì nó đã dùng đến máu và nước mắt của quá nhiều người, trong đó có gia đình họ hàng của tôi, gia đình của bạn bè, hàng xóm và thậm chí là những người tôi chưa hề quen. Tôi thấy bức tranh đó mang tính bi thương hơn là bi tráng. Ông bà, bố mẹ tôi, dù không có lựa chọn hay hào hứng, cũng đã làm tròn vai trò của họ trong thời kì của mỗi thế hệ. Mỗi thế hệ của họ đều mang những lý tưởng riêng, những lý tưởng đẹp đẽ, sáng ngời cùng những thông điệp và cống hiến riêng.
Chú ruột tôi hy sinh trong chiến tranh vào những năm 1972-1973 khi hành quân vào miền Nam Trung Bộ. Chỉ một quả bom, cả trung đoàn tan thành tro bụi hoà mình vào lòng đất mẹ. Người duy nhất trở về từ cuộc hành quân ấy là một quân nhân mắc bệnh sốt rét dọc đường bị trả về hậu phương miền Bắc. Sau bao năm ròng rã, bà nội tôi đổ hết công sức đi tìm dấu tích mong lập được mộ phần chỉn chu cho người con trai út của mình nhưng vô vọng. Thứ duy nhất bà còn giữ được là bức hình chân dung của chú năm 17 tuổi và những tấm hình be bé khác chụp chú và bố tôi lúc hai anh em còn niên thiếu. Đó là chiến tranh. Đó là mất mát đã được dự đoán trước cho bất cứ gia đình nào có con cái trong quân ngũ dù là ở phía nào.
Lúc ông bà tôi còn sống, cứ mỗi lần đến 30.4 là ông bà trầm ngâm lắm. Lúc đó tôi còn trẻ tuổi, hiểu biết nông cạn, tôi cứ nghĩ lẽ ra ông bà phải thấy tự hào chứ, phải vui chứ vì đó là ngày mà ông bà “chiến thắng”. Ông tôi bảo không đâu, ông bà chả mong gì ngoài ngày người người có thể gác súng, nhà nhà đàn bà con nít người già người trẻ không còn phải nghe tiếng bom đạn. Chiến tranh làm gì có thắng thua? Chiến tranh chỉ toàn những mất mát. Người thì mất chồng mất vợ, ông bà thì mất con mất cháu, gia đình mất nhà mất ruộng, có người mất cả thanh danh, kinh tế, niềm tin. Vậy thì thắng thua ở chỗ nào?
Kế bên nhà tôi là gia đình một cựu sĩ quan chế độ cũ. Hai ông bà đều là tri thức, nói được 2-3 thứ tiếng. Ông làm sĩ quan nhưng chỉ làm việc bàn giấy. Đến khi được huy động bỏ chạy khỏi Sài Gòn nhưng không được đem vợ con theo, ông đã chọn ở lại dù phải đối diện với việc có thể bị trả thù hoặc vu khống. Ông bị gửi đi “học tập cải tạo” và ông bà nội tôi đã hứa rằng sẽ hỗ trợ hết mình cho gia đình của ông trong thời gian đó. Và ông bà tôi đã trở thành gia đình hàng xóm gần như duy nhất của họ lúc đó, là chỗ dựa niềm tin duy nhất. Ông bà nội tôi cũng yêu quý gia đình đó, bảo là họ có làm gì sai đâu mà phải xa lánh họ? Tôi cũng thấy họ tốt bụng hiền hoà. Tôi yêu quý cô Ly (cô con gái áp út của ông bà hàng xóm) vì cô học làm bánh kem rất đẹp và cô nói tiếng Anh rất hay và cô còn học cao để trở thành bác sĩ. Vài năm sau, ông hàng xóm đi cải tạo về, ông bà được con cái bảo lãnh đi định cư Mỹ theo diện đoàn tụ nhưng rồi ông bà cũng không đi vì đã quá gắn bó với khu xóm này, ấm áp, không định kiến, không màng đến quá khứ.
Tôi may mắn không phải trải qua giai đoạn đen tối hay chiến tranh máu đổ đạn ghim như ông bà bố mẹ của mình. Ông bà của tôi cũng không nhắc gì về quá khứ vì nó chỉ đầy chông gai và khổ đau. Bà nội tôi lẽ ra đã có một cuốn tự truyện nhưng rồi lại thôi vì theo bà những chuyện đã xảy ra không có gì phải đi rêu rao hay tự hào cả. Gia đình tôi tôn trọng quyết định đó của bà, thậm chí từ chối luôn đề nghị dùng tên bà đặt cho 1 con đường gần nhà.
Giờ khi nhìn lại khi đã có suy nghĩ chín chắn hơn một chút, tôi đồng ý rằng mình không có tư cách để phán xét bất cứ ai khi mình không trực tiếp trải qua những khổ đau mất mát đó. Nếu ông bà, bố mẹ tôi có thể tạm đặt quá khứ sang một bên để sống tiếp và sống có ích, tôi cũng nên học theo như vậy. Có những người vẫn còn mang trong lòng nỗi đau, nỗi hận. Tôi có thể sẽ không bao giờ hiểu được điều đó nhưng tôi mong đến một ngày họ có thể bỏ qua để thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn, được chút nào hay chút ấy.
Chiến tranh vốn dĩ đã không bao giờ có lý trí hay đúng sai.
Ông bà tôi, chú ruột của tôi và cả ông bà hàng xóm đều đã trở thành người thiên cổ. Tôi đi qua ngày này, nghĩ trong thâm tâm họ đã nằm xuống và không ân hận với lựa chọn của mình trong quá khứ.
Quốc lễ hay quốc hận? Tôi chỉ chọn xem đó là một ngày để nhìn nhận những mất mát bao gia đình phải gánh chịu, bị ám ảnh và vẫn đang cố vượt qua dù họ có thuộc về phía nào đi nữa.
– Peace –
Cám ơn cháu đã viết những suy nghĩ của cháu. Cảm ơn sự suy nghĩ của ông bà cháu, và tấm lòng đối với gia đình người hàng xóm. Thật là quí báu.