Chiếc kén an toàn

Bước ra khỏi “Kén an toàn” như thế nào?

Tôi sẽ gọi 4 tầng trong vòng tròn phát triển này với các tên gọi như sau:

1. Kén an toàn

2. Vùng hoang mang

3. Không gian học hỏi

4. Chân trời phát triển

Chúng ta được sinh ra và nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương, chở che và bảo bọc của cha mẹ và gia đình. Đó chính là tổ kén an toàn cho bất cứ ai. Bạn ra ngoài chơi bị trẻ nhà hàng xóm bắt nạt. Bạn chạy về khóc lóc méc anh trai và anh trai của bạn ra tay “xử đẹp” đứa láo toét kia để bạn có dịp hếch mũi, đó là kén an toàn. Bạn té xuống đường trầy xước lung tung và khóc toáng lên để ông bà chạy tới đỡ bạn và ôm vào lòng dỗ dành, đó là kén an toàn. Bạn đi học hay đi làm ngày ngày mỏi mệt về trốn trong phòng có chăn êm nệm ấm, sướng hơn thì có mâm cơm bố mẹ chờ, đó là kén an toàn. Bước ra khỏi cái kén an toàn đó, ai ai cũng sẽ bảo bạn rằng bầu trời ngoài kia đầy giông bão sấm chớp ì đùng, con đường chỉ đầy miểng chai, gai nhọn, ai ai cũng có thể soi mói hoặc lợi dụng bạn, rằng bạn khó có thể tồn tại được, bạn hãy về nhà cho ấm tấm thân.

Bạn ở mãi trong cái kén an toàn của riêng mình, bạn có chán không?

Tôi thì xin thưa với bạn, tôi ngán đến tận óc.

Tôi cũng xin thưa với bạn, tôi may mắn hơn bạn ở chỗ bố mẹ tôi dạy tôi phải tự lập và “tiễn vong” tôi ra khỏi nhà khi tôi vừa tròn 18 tuổi. Bố tôi cũng bôn ba đi học xa nhà thậm chí còn đi đến nước Nga xinh đẹp nhưng lạnh thấu xương, một mình vượt qua những con đói, phải tự đi chợ xin mua khoai tây, cà chua hay bắp cải và bánh mì giá rẻ như cho không ở ngoài chợ về nấu ăn để trở thành một trong những kĩ sư vi điện tử đầu ngành. Ông nội của tôi lèo lái hai chiếc xe tải vượt bom đạn chiến tranh để đi học cách … in tiền cho chính phủ thời bấy giờ. Mẹ tôi cũng là sinh viên phong trào, vừa phải đi dạy kèm lại vừa đi sinh hoạt biểu tình phản chiến. Những tấm gương đó giúp tôi nhận ra rằng tôi may mắn hơn thế hệ trước của tôi rất nhiều, rằng tôi có đầy đủ các lựa chọn và tôi sẽ không thể trở thành một kẻ hèn nhát trong tâm thức. Vậy là tôi chọn cách rời khỏi tổ ấm để đi học xa với rất ít điều kiện và tự tìm cách để vừa học vừa kiếm tiền sao cho thoải mái.

Cái khó sẽ ló cái khôn. Bạn và tôi, khi bị ép vào một con đường đầy sỏi đá, chúng ta sẽ tự nghĩ ra những cách hay ho để đi qua con đường mà không phải vướng quá nhiều tai nạn hay chịu quá nhiều thương tích. Đó là khi chúng ta xé bỏ lớp kén an toàn bao bọc quá dày, đặt chân ra khoảng không mờ mịt ngoài kia và không biết mình sẽ lọt vào cái hố tiếp theo khi nào.

Tôi đi làm. Tôi làm đủ thứ việc được giao mà không nề hà vì tôi biết dù tốt nghiệp Đại Học loại giỏi nhất nhì trong khoá, tôi sẽ quay về con số 0 to tướng khi tôi bắt đầu bước vào hành trình công danh sự nghiệp. Thế là tôi bị cuộc đời đi làm công sở dập cho tả tơi nhưng rồi tôi cũng nhận ra rằng, có công có cố gắng thì mình cũng sẽ được đền đáp. Bạn hỏi tôi được đền đáp thế nào? Lương có tăng nhiều không? Có được thăng chức gì hay ho không? Xin thưa là không và sự đền đáp sẽ tuỳ vào cách mà bạn nhìn nhận. Lương bổng của tôi không thể so được với bạn đồng lứa. Con đường thăng tiến trong công ty của tôi dài hơn và chậm hơn các bạn đồng nghiệp. Nếu bạn nhìn vào, hẳn bạn sẽ bĩu môi rằng thế thì việc gì tôi phải cố gắng nỗ lực cho mệt vậy khi kết quả chả mấy hoành tráng.

Tôi không nhìn vào chuyện thăng tiến (lúc đầu thì tôi quan tâm lắm rồi đâm ra bức xúc và áp lực với bản thân vô cùng) mà tôi tự nhận xét xem mình đã học được cái gì, kiến thức và kĩ năng nào. Con đường tôi tự đúc kết cho bản thân là mình phải trở thành một thành viên “không thể thay thế” trong đội nhóm hoặc phòng ban mình làm việc. Nếu bạn có tham khảo danh sách những công việc sẽ biến mất trong vòng 10-20 năm nữa do máy móc hoặc công nghệ sẽ thay thế, bạn có thấy mình trong danh sách đó không? Đọc tới đây, hẳn là bạn bắt đầu giật mình chột dạ khi nhận thấy rằng vai trò của mình sẽ dễ dàng bị thay thế hoặc xoá bỏ thế nào. Như vậy, kế hoạch thay thế hay còn gọi là “plan B” của bạn sẽ là gì?

Bạn không có cách nào ngoài việc rời bỏ cái kén an toàn và học cách trở thành nhân vật không thể thay thế hoặc làm những công việc khó có thể bị quét bay véo véo như tia chớp trong vòng vài năm tới. Còn không thì bạn có thể tự làm chủ doanh nghiệp nếu đã tự tin đủ lông đủ cánh. Lựa chọn nào cũng đầy chông gai cả nhưng nếu bạn không làm thì bạn sẽ dần chán nản và mất luôn mục tiêu sống. Đây cũng chính là nguyên nhân căn cơ dẫn đến “khủng hoảng tuổi 30” (mid-life crisis) mà bạn thường nghe thấy.

Tôi có một người cô họ hàng, theo vai vế là cô nhưng chỉ lớn hơn tôi vài tuổi. Cô làm trong lĩnh vực y tế cộng đồng đã mười mấy năm, bị bao vây bởi những người làm việc và sống khá giản dị và an phận. Cô thích cách tôi sống và cũng muốn bứt phá nhưng hoàn cảnh gia đình và những gì đã gầy dựng được khiến cô suy nghĩ nhiều, thậm chí lay hoay trong cái vòng lẩn quẩn. Rồi cơ hội cũng đến, tôi giới thiệu và khuyến khích cô nhận công việc mới dù công việc này không có được tính ổn định dài hạn như công việc trước đây nhưng nó lại mang đến nguồn năng lượng mới và đặc biệt khi làm việc với giới trẻ, đối tác và phổ thông kĩ thuật số cho cộng đồng.

Suy nghĩ mãi, cô cũng quyết định xé bỏ chiếc kén an toàn của mình và dũng cảm bước ra ngoài. Tôi vẫn động viên cô, cho cô thấy rằng cô sẽ làm được và làm tốt. Vài tháng trôi qua, tôi nhận được nhiều lời khen ngợi dành cho cô, rằng cô rất tâm huyết, năng động, sáng tạo để xử lý công việc nhanh gọn, đối tác rất trân trọng và cả công ty đều yêu quý cô. Mọi việc không phải luôn êm đềm, khó khăn thì đầy dẫy nhưng khi cô đã chọn ra khỏi kén để đối diện với rủi ro, nỗi sợ hãi và tiếp cận nhiều cơ hội mới, cô đã không còn là người luôn mang trong lòng nỗi niềm được thay đổi và được phát triển.

Đương nhiên, trước khi quyết định một điều gì đó, đặc biệt là những thay đổi trong công việc, bạn sẽ cần cân nhắc lợi ích, khó khăn và rủi ro. Bạn không thể ào một phát nhảy ngay vào chảo lửa mà không biết khi ra khỏi chảo lửa mình sẽ bị cháy đen thui hay trở mình đồng da sắt nung như Tề Thiên Đại Thánh tu luyện mấy nghìn năm. Bạn không thể lao thẳng vào một cánh rừng đầy gai nếu chưa rõ là bên kia khu rừng có cầu vồng hay kho báu đang chờ và khi đi thì bạn có cần mang lương khô, vũ khí phòng thân hay quẹt lửa để tránh thú dữ. Hoặc bạn cũng cần phải học kĩ năng leo cây hay thoát khỏi vũng lầy để vượt qua thử thách khi cần. Nếu chưa có kĩ năng hoặc công cụ cần thiết mà nhảy ngay vào chảo lửa chả khác nào tự sát.

Tôi có cơ hội gặp nhiều người trẻ tuổi, cùng lứa với tôi hoặc nhỉnh hơn một chút. Có một điểm tôi quan sát và học được ở họ là dù có nền tảng giáo dục cao và có nhiều thuận lợi về xuất phát điểm, họ ít khi vỗ ngực về điều đó. Họ chia sẻ với tôi về những khuyết điểm họ nhận ra, hỏi lời khuyên hoặc xin ý tưởng để cải thiện. Và họ dấn thân xông xáo thực hiện những điều họ tin là đúng cho bản thân và cho công ty hoặc công việc. Họ không để cho bản thân chìm vào cái bóng râm lớn mà gia đình họ đã tạo ra. Cái bóng của sự thành công từ cha mẹ hay anh chị em càng lớn, áp lực trên vai họ càng nhiều. Đôi khi tiền không phải là thước đo của sự thành công, họ khao khát được chính các bậc tiền bối công nhận và khen ngợi. Để làm được điều đó, họ không có cách nào khác là phải xé toạc chiếc kén nhung lụa êm ấm, bước ra đầm lầy bên ngoài để bị giông bão vùi dập, sóng lớn nhấn chìm, gió cát cào rách da để có thể trở thành bằng chứng cho việc mình không hề vô dụng. Có lẽ, vài mươi năm sau khi nhìn lại, họ (cũng như chính tôi) sẽ kịp nhận ra rằng đó chính là phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất mà cha mẹ hay gia đình đã dành tặng cho mình.

Bươm bướm sẽ không thể khoe sắc nếu không vặn mình tung kén bay ra.

Bạn cũng vậy. Và tôi cũng như vậy.

– Hội An –

Tháng 5 rực lửa.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s