Nỗi sợ hãi và sự đổi thay

Tôi chèo SUP ở Vũng Tàu năm 2017

Khi viết bài “Em ơi, đừng sợ”, tôi không hình dung được có nhiều bạn trẻ lại thấy nó liên quan đến tâm tình hiện tại của các bạn như thế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tất cả mọi thứ sẽ do chính bản thân mình quyết định. Chừng nào tôi còn trao quyền quyết định đó cho ai khác, lúc đó tôi sẽ tự cho mình cái cớ để nỗi sợ hãi giày vò.

Dịch cúm covid-19 hay còn gọi là corona virus đang trở nên dần quen thuộc với tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Từ dạo SARS đến giờ, tôi chưa từng thấy xã hội bấn loạn đến thế bao giờ. Họ chen chúc nhau đi mua khẩu trang, nước rửa tay, nhốt con cái trong nhà, vơ vét lương thực tích trữ và phập phồng sống cứ như tù nhân chờ tuyên án tử hình. Dịch cúm bình thường (influenza) giết chết hơn 200,000 người ở Mỹ vào mùa lạnh. Virus cúm bản thân nó đã dễ lây lan. Ai cũng có thể nhiễm cúm nhưng tuỳ vào bản thân người nhiễm có đủ đề kháng để quật chết con virus đó hay không. Nếu sức đề kháng yếu, người bình thường cũng lay lắt ho sổ mũi vật vờ kéo dài hàng mấy tuần chứ đừng nói những người có tiền sử bệnh khác hành hạ.

Khi cả một cộng đồng lâm vào thế “mất bò mới lo làm chuồng”, sự hỗn loạn chỉ mới là chương đầu tiên. Tôi ra sân bay, gần như 100% nhân viên và khách đi lại đều đeo khẩu trang rất kĩ lưỡng. Trừ những người đang cảm sốt ho hen, tôi không biết những người còn lại có biết khẩu trang chả có tác dụng gì với con covid-19 kia không. Chắc họ đeo khẩu trang với niềm tin mạnh mẽ rằng con virus kia sẽ chừa họ ra. Niềm tin đó son sắt đến nỗi một người khoẻ mạnh chả thèm đeo khẩu trang chạy tung tăng như tôi bị nhìn chòng chọc với ánh mắt hết sức kì thị. Có người phụ nữ Đan Mạch trung niên hỏi tôi “Cô không đeo khẩu trang ư? Không thấy sợ sẽ nhiễm bệnh sao?” thì tôi nhìn bà ấy “Thế đeo khẩu trang có đảm bảo bà không bệnh chăng? Kháng thể trong người bà thế nào? Tôi nghĩ bà hiểu nhiều về dịch cúm này cơ mà”. Thế là bà ấy im lặng nhìn đi chỗ khác.

Lang thang ở rừng Alishan không cần khẩu trang

Tôi nghĩ rằng bây giờ viết ra thì hơi thừa nhưng đây chính là một trường hợp xử lý khủng hoảng điển hình. Khi còn làm cho ngân hàng nước ngoài, hằng năm, chúng tôi đều họp bàn về các kịch bản xử lý khủng hoảng ở nhiều cấp độ để đảm bảo cả doanh nghiệp có sự chuẩn bị ở mức cao nhất và việc kinh doanh sẽ ít bị gián đoạn hoặc giảm thiểu thiệt hại. Mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho tập thể nhân viên và lợi ích cho khách hàng, bảo vệ thương hiệu và giảm thiểu thiệt hại từ khủng hoảng. Nhân viên được tập huấn phải trả lời khách hàng thế nào, gửi thông tin cho các đối tượng khác nhau ra sao, khi nào thì sơ tán nhân viên, lúc nào thì bật hệ thống back up để xử lý giao dịch và lưu trữ thông tin. Khi khủng hoảng thực sự xảy ra, nhân viên trở nên bình tĩnh và phối hợp cùng ban xử lý khủng hoảng trấn an khách hàng, báo chí và các đơn vị liên quan khác.

Việc làm quen và thực hiện xử lý khủng hoảng không phải một sớm một chiều mà được ngay. Đó là cả một quá trình trải nghiệm mà mỗi người cần đúc kết. Cũng như trẻ con ở Nhật Bản từ nhỏ đã được dạy cách đối phó với tình huống thiên tai hoặc động đất xảy ra, khi mặt đất rung chuyển, lũ trẻ chui ngay xuống gầm bàn với hai tay ôm quanh đầu. Người Nhật Bản cũng được tập luyện nhiều năm với thiên tai sóng thần, bão lũ. Họ trật tự, im lặng, hợp tác và cùng hỗ trợ nhau vượt qua khủng hoảng trước khi những đơn vị bên ngoài can thiệp giúp đỡ. Đó là lý do trẻ em hoặc học sinh nên tham gia những buổi ngoại khoá, cắm trại, đi phiêu lưu, leo núi, chèo thuyền, vượt thác, v..v để có thể nắm bắt kỹ năng sinh tồn và xử lý tình huống. Khi đã quen với các tình huống bất ngờ và có kỹ năng xử lý, bạn sẽ thấy những thứ như covid-19 sẽ không phải là cái gì quá ghê gớm khiến bạn co rúm chưa đánh đã vỡ trận.

Lênh đênh trên hồ Trị An

Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là đối diện với chính nó. Nhưng nếu bạn không hiểu bản chất lý do gây lo sợ và không có khả năng đối phó thì đối diện với nó sẽ làm bạn hoang mang thêm. Việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu thông tin thật chính xác rồi sau đó bạn lên kịch bản đối phó cho chính bản thân mình và gia đình xung quanh. Trong tình huống nào, có tín hiệu gì thì bạn cần bật đèn đỏ, đèn vàng hay đèn xanh và trang bị những thứ gì. Đây là lúc bạn cần để cái đầu logic quyết định thay vì để trái tim đập loạn nhịp lung tung. Khi cảm xúc được chế ngự, bạn sẽ hành động theo trình tự và từ đó vượt qua thử thách thành công và ít phải chịu thiệt hại. Điều này hoàn toàn không dễ dàng nhưng bạn sẽ làm được nếu chịu tập luyện.

Thêm một tình trạng hay thấy khi khủng hoảng xảy ra là thông tin nhiễu loạn và lan truyền bừa bãi không kiểm soát. Chúng ta, những trái tim dồn dập và cái đầu lờ mờ, là thủ phạm gây ra vấn nạn này, tạo ra môi trường hấp dẫn cho tin giả hoặc những kẻ đục nước béo cò hành động. Thế mới thấy khả năng sàng lọc và xử lý thông tin của chúng ta yếu kém thế nào. Chúng ta đọc mà không hề có sự phản biện, không trang bị khả năng xác nhận nguồn gốc và mục đích của người đưa ra thông tin, không có định hướng và kế hoạch xử lý những luồng thông tin khác nhau. Và thế là chúng ta, vì quá hoang mang và quá thương yêu những người xung quanh mình, lại chia sẻ những thông tin chưa được xác thực. Cộng đồng đã hoang mang nay lại càng thêm lo sợ. Và khi một cộng đồng trở nên sợ hãi, đâu sẽ là động lực để xử lý khủng hoảng một cách chủ động đây?

Nếu gạt dịch cúm covid-19 sang một bên, cuộc đời chúng ta cũng đã có quá nhiều vấn đề khó khăn phải giải quyết. Hãy xem dịch cúm này là một cơ hội để thay đổi suy nghĩ, lên kế hoạch chuẩn bị tốt cho bản thân và tiếp tục làm việc và sống một cách vui vẻ, linh hoạt, thông minh và thoải mái nhất. Ừ thì chúng ta có thể ngồi hàn huyên than thở với nhau nhưng mặt trời vẫn mọc lúc hừng đông và chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sống … tốt.

Life’s tough but so are we!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s