
Tôi hân hạnh được chia sẻ vài ý kiến cá nhân khi trả lời câu hỏi phỏng vấn cho bài viết “Tìm cơ hội trong rủi ro” – chấp bút bởi Lambooks.
- Doanh nghiệp, business của chị có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lần này ? Theo chị, thời điểm này các doanh nghiệp cần làm gì để chuẩn bị ứng phó với các kịch bản, diễn biến mới sẽ xảy ra trong thời gian tới?
Hello Dalat là doanh nghiệp hoạt động rất năng nổ trong lĩnh vực du lịch, thể thao mạo hiểm, lưu trú và dã ngoại cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngành du lịch và hoạt động dã ngoại thể thao ngoài trời là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất khi dịch Covid-19 bùng phát. Bạn nghĩ xem, khi mọi người phải giãn cách xã hội, làm việc và chăm sóc gia đình tại nhà, nhiều người bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập, nhu cầu vui chơi du lịch sẽ bị cắt giảm đầu tiên và hồi phục sau cùng. Như vậy, lĩnh vực mà Hello Dalat đang hoạt động sẽ bị ảnh hưởng kéo dài không chỉ vì dịch bệnh mà còn vì nền kinh tế suy giảm.
Không phải chỉ trong thời điểm dịch bùng phát thì doanh nghiệp mới loay hoay suy tính kịch bản ứng phó. Điều đó chẳng khác nào câu ông bà khi xưa hay nói, “Mất bò mới lo làm chuồng”. Doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải vạch ra những kịch bản ứng phó với nhiều tình huống khủng hoảng khác nhau khi vừa khởi nghiệp. Tuy nhiên, dịch bùng phát gây bất ổn xã hội là không ai muốn, theo tôi, doanh nghiệp (quan trọng là doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ/ nhóm kinh doanh) nên có một số hành động hoặc cân nhắc sau:
a. Tài chính: người chủ kinh doanh cần lập tức xem lại hết báo cáo hoặc bảng kê tài chính. Ta cần xác định ngay đâu là chi phí cố định và buộc phải chi trả; đâu là chi phí linh hoạt hoặc phát sinh có thể gia giảm hoặc cắt bỏ. Ta cũng cần lập kế hoạch trường vốn để “ngủ đông” hoặc thay đổi phương thức kinh doanh. Ví dụ, nếu bạn thay đổi từ quán cà phê sang bán cà phê đem về, bạn có thể giảm số nhân sự phục vụ tại quán, chỉ giữ lại đội ngũ pha chế và đầu tư một ít vốn để phối hợp với nền tảng giao hàng như GrabFood hay Foody.
b. Nhân sự: đây là phần khó nhất trong việc chuyển mình để tồn tại. Con người làm nên cái hồn, năng lượng và thay đổi của cả công ty. Thay đổi về con người sẽ xáo trộn toàn bộ hoạt động và nguồn năng lượng của công ty. Ta nên cân nhắc một số mức độ tác động khi cơ cấu lại nhân sự.
- Doanh nghiệp có đủ vốn hoặc quỹ lương dự phòng để hỗ trợ nhân viên làm việc với 30% – 50% lương cơ bản / cố định không? Nếu có thì doanh nghiệp sẽ duy trì trong bao lâu? Sau khoảng thời gian đó, kịch bản hành động là gì?
- Doanh nghiệp phải giảm bao nhiêu nhân sự? Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ họ thu nhập được bao nhiêu khi phải nghỉ làm? Liệu có nên áp dụng hình thức nghỉ phép không lương rồi sau đó huỷ hợp đồng? Quy định trong Luật Lao Động trong những trường hợp này là gì?
- Liệu doanh nghiệp có khả năng tái mục đích sử dụng nhân sự khi thay đổi phương thức kinh doanh để thích nghi không? Đâu là nhân sự cốt lõi? Đâu là nhân sự có khả năng thích ứng cao, đa năng và có kỹ năng đòi hỏi cho công việc hay vai trò mới? Nhân sự có kiêm nhiệm được một số vai trò mới hay không?
- Khi đã có kịch bản hành động trong tay, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin này như thế nào tới nhân viên? Ta nên chia sẻ trong không gian ra sao? Ta cần những giấy tờ gì?
Điều quan trọng nhất để xử lý mảng nhân sự khi khủng hoảng xảy ra là sự rõ ràng, minh bạch và bình tĩnh của chủ doanh nghiệp. Ta càng cho thấy hướng đi rõ ràng bao nhiêu, nhân viên sẽ càng thông cảm và hợp tác bấy nhiêu dù họ ít nhiều vẫn bị tổn thương, bị sốc hoặc lo lắng về tương lai gần.
- Thời điểm này, khi các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, theo chị, các doanh nghiệp có cơ hội nào chuyển mình, hoặc chuyển đổi kinh tế, hay chuyển đổi mô hình để hoặc chớp lấy cơ hội nào để phát triển ?
Theo quan sát của tôi, các doanh nghiệp nhỏ và hộ / nhóm kinh doanh đã rất nhanh nhạy thay đổi để ứng phó với khủng hoảng. Ngoài ra, họ cũng chung tay với xã hội và hợp tác với chính quyền để ngăn dịch. Đó chính là cách để bảo toàn và làm đẹp thương hiệu mình dầy công xây dựng một cách ý nghĩa và hợp lý. Doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội ứng biến do họ có mô hình tương đối gọn gàng, không sở hữu quá nhiều hạ tầng cồng kềnh, người chủ doanh nghiệp có khả năng ra quyết định nhanh và hành động ngay lập tức. Đây là những thế mạnh của các doanh nghiệp nhỏ và nhóm kinh doanh lẻ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt cơ hội trong giai đoạn này vì nó còn tuỳ thuộc vào cách hoạt động của từng ngành hoặc lĩnh vực, đi theo biện pháp và quy định quản lý của nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ cũng không đủ vốn (do xoay vòng vốn nhanh) để tái đầu tư ngay khi bị giáng đòn. Tìm nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư vào phương thức kinh doanh mới để tồn tại là câu hỏi nhức nhối cho tất cả doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Kinh doanh trực tuyến đối với 1 số lĩnh vực lại đem đến cơ hội “thoát hiểm” và phát triển trong và thậm chí sau giai đoạn khủng hoảng. Nếu biết nắm bắt, trau dồi kỹ năng và tìm hiểu kỹ về tâm lý và hành vi tìm kiếm cũng như mua sắm của khách hàng trong giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hồi phục cao và phát triển nhanh khi tình hình sáng sủa hơn.
- Một câu hỏi về cá nhân, trong suốt nhiều năm làm việc, chị đã bao giờ lâm vào tình trạng “khủng hoảng”, công ty chị gặp biến cố nào chưa, thời điểm đấy mình tháo gỡ như thế nào ạ ? Sau này, mỗi lần đứng trước những khó khăn, chị dùng tâm thế nào để ứng biến ạ ?
Đây là cuộc khủng hoảng thứ 3 mà tôi “hân hạnh” trải qua và đồng hành cùng mọi người. Mỗi cuộc khủng hoảng đều đem đến nhiều cảm xúc và bài học khác nhau. Tựu chung lại thì khi vượt qua được khủng hoảng, chúng ta đều trở nên mạnh mẽ hơn và có sự cảm thông tốt hơn với mọi người xung quanh.
Năm 2012-2013 là đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu tại các thị trường phát triển. Tập đoàn tài chính mà tôi làm quản lý marketing lúc đó tái cơ cấu và sa thải hàng chục nghìn nhân viên trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng “sinh sát” đó. Tôi đau lòng chứng kiến 1/2 nhân sự phòng ban của mình gói ghém đồ đạc ra đi chỉ trong 2 tiếng đồng hồ khi họ bị gọi tên và nhận thư thông báo. Tôi được giữ lại vì đang xây dựng mảng tài chính trực tuyến cho chi nhánh tại Việt Nam đồng thời kiêm nhiệm thêm 2 mảng kinh doanh khác. Đó là cuộc khủng hoảng mà tôi đi qua với vai trò người làm công ăn lương ở cấp quản lý.
Năm 2020 này là cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra. Công ty mà tôi tham gia đầu tư và quản lý vốn dĩ đã có cơ cấu rất gọn gàng, tinh giản nhưng cũng không thể né được tác động tiêu cực của dịch bệnh. Được chuẩn bị tinh thần từ những ngày còn đi làm, tôi đã tự chuẩn bị một số vốn dự phòng và cùng cộng sự chính của mình lấn sân sang một số lĩnh vực khác mà không tốn quá nhiều vốn liếng để đa dạng hoá nguồn thu nhập cho công ty. Đồng thời, tôi luôn khuyến khích nhân viên học thêm kỹ năng mới đang là xu hướng và ngay khi khủng hoảng xảy ra, các em đã lập tức chuyển mình từ nhân viên toàn thời gian trở thành nhân viên bán thời gian và nhận thêm các dự án online mà các em đã có thời gian tự học tập và cọ xát. Các em cũng chủ động chia sẻ nỗi lo với tôi và cộng sự, đồng ý giảm lương và tự tìm thu nhập qua các dự án làm việc tự do hoặc từ xa do công ty giới thiệu hoặc tự tìm kiếm.
Về tâm lý, lo lắng là một phản ứng rất tự nhiên. Sẽ là nói dối nếu tôi bảo tôi rất tự tin rằng mình sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này dù đó là điều tôi nói với bản thân mình trước gương mỗi sáng. Dù vậy, tôi luôn bình tĩnh và lên kế hoạch hành động và làm việc cho từng ngày cũng như cho dài hạn. Tôi trang bị tâm lý và sức bật tốt nhất để khi mọi thứ quay về điều kiện như trước đây, doanh nghiệp của tôi sẽ hồi phục thật nhanh và sẵn sàng để đi trước. Tôi mong mọi người, đặc biệt là các anh chị chủ doanh nghiệp hoặc hộ/ nhóm kinh doanh cũng giữ vững tinh thần như vậy.
Mọi người có thể đọc thêm những chia sẻ khác bằng cách mua sách ủng hộ: