
Đi New York chỉ một lần, tôi ít có thiện cảm với thành phố được mệnh danh là khu rừng bê tông này. New York, cũng như những thành phố non trẻ khác, có những nét duyên và điểm tối khuyết đặc trưng. Tôi thích Brooklyn duyên dáng, đài các như những nàng tiểu thư châu Âu theo cha mẹ đi tàu viễn dương. Manhattan cho tôi cảm giác vội vã, khô cứng của những anh chàng nhân viên ngân hàng diện áo vest cứng đờ, ít biểu cảm. Bronx lại cho tôi nhiều sắc màu đa dạng của nhiều nhóm dân tộc khác nhau, nhiều màu da khác nhau và lẩn quất đâu đó sự liều lĩnh và nguy hiểm. Tôi chưa dành đủ thời gian cho New York nên tôi cũng hạn chế viết và chia sẻ những cảm nhận chưa đủ đầy, tròn vẹn cho nơi này.
Cũng như bao thành phố trẻ trung, hừng hực sức sống khác, New York mang theo mình rất nhiều câu chuyện của những con người sống dựa vào nó. Những câu chuyện với đầy đủ các cung bậc cảm xúc mà tôi lắng nghe, đọc và ngẫm nghĩ và cho phép cảm xúc của mình đồng hành cùng những nhân vật có thật trong những câu chuyện đó thông qua Humans of New York. Tôi thích cách mà @Humansofny ghi nhận lại những câu chuyện của những người con New York, rất chân thực, giản dị nhưng giàu cảm xúc.
Vài tuần gần đây, @humansofny giới thiệu một chuỗi câu chuyện về cựu vũ công Stephanie ‘Tanqueray’. Tuổi thanh xuân của bà gắn liền với những biến động của thành phố sôi động này. Tôi có thể hình dung được sự chuyển mình đổi thay của New York khiến mọi người bị cuốn theo vòng xoáy vô hình đó để rồi họ đôi khi sững sờ nhận ra rằng họ không còn hợp thời hoặc đủ sức rướn theo tốc độ phát triển và bành trướng đến chóng mặt của New York nữa.
Sự dằn vặt giữa việc tồn tại với miếng cơm manh áo hằng ngày và thể diện bản sắc của một con người ở New York sao mong manh đến thế? Stephanie có thể là Tanqueray rực rỡ, màu sắc, nhục cảm và khiến cho khán giả đàn ông rung động và rạo rực trong từng đêm diễn nhưng Tanqueray không thể trở thành Stephanie khát khao sự yêu thương và bình yên chỉ trong một ngày. Khi bước về gian phòng tối, Stephanie lại là chính mình, cô đơn, vô định, phóng mắt nhìn vào màn đêm mà không biết ngày mai, tương lai của mình sẽ ra sao.
I hope when I get to heaven God shows me a movie of my life. But just the funny parts. Not the in-between parts, cause then we’d both start crying. Underneath all the laughs and the gags, it was always about one thing: survival. Tanqueray was a lot of fun. But Tanqueray was Stephanie. And Stephanie was a teenage runaway from Albany: doing what she needed to do, and being who she needed to be, to get what she needed to get.
@humansofny
Tạm dịch:
“Tôi cứ hy vọng sau này khi lên thiên đường, Chúa sẽ chiếu cho tôi xem bộ phim về cuộc đời mình. Nhưng chỉ những đoạn vui thôi chứ không phải là những đoạn giữa vì đó là khi ta bắt đầu bật khóc. Vùi sâu dưới những tiếng cười và trò vui, ta chỉ nghĩ về một điều duy nhất: sinh tồn. Tanqueray đúng là vui thật. Nhưng Tanqueray nào phải Stephanie. Và Stephanie vẫn chỉ là 1 cô nàng tuổi teen bỏ trốn từ Albany: làm những việc cô ấy phải làm, trở thành người cô ấy cần phải trở thành và đấu tranh cho những thứ cô ấy cần phải có.”
Đọc câu chuyện của Stephanie “Tanqueray”, tôi tự hỏi New York liệu có như thế. Và liệu những người đang sinh sống ở New York có trải qua những khoảnh khắc và cảm xúc như bà? Tôi lại nghĩ về Sài Gòn, về nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên, một thành phố vài trăm tuổi cũng bộn bề cũ mới, đầy cảm xúc, nhiều góc cạnh và màu sắc khác nhau. Sài Gòn cũng có những điểm tương đồng với New York, cũng mở rộng vòng tay chào đón, cưu mang những con người tạm ghé, vội đi hay quyết định ở lại. Sài Gòn cũng thay đổi rất nhanh, đôi lúc cũng khắc nghiệt, ẩm ương, đỏng đảnh với người ở quanh mình. Sài Gòn đôi khi cũng xù lông lên, giận dữ nhưng cũng như New York, sự dằn vặt giữa bao dung & cưu mang những kẻ sinh tồn và sự tàn khốc và lạnh lùng của dòng chảy phát triển luôn dữ dội và bạo liệt.
At night I’d lay in bed and listen to the sounds of the street. I never wanted to fall asleep, because I didn’t want to dream about my mother screaming at me. So I’d listen to all the noise outside and I’d start to feel like I was missing out on something. That’s how New York sounds late at night, when you’re lying in bed and you’re scared of going back to where you came from. It sounds like you’re going to lose your place in line. And if you don’t get out of bed—the thing that was supposed to happen to you is gonna happen to someone else.
@humandsofny
Tạm dịch:
“Ban đêm khi nằm trên giường, tôi lắng nghe âm thanh của đường phố. Tôi không bao giờ muốn mình thiếp đi vì tôi không muốn nằm mơ thấy mẹ tôi đang gào thét chửi rủa tôi. Thế nên tôi nằm đó, lắng nghe những tiếng động bên ngoài và tôi bắt đầu cảm thấy mình đang bỏ lỡ một thứ gì đó. Đó là âm thanh của New York về đêm, khi bạn nằm trên giường và sợ hãi rằng bạn phải quay về nơi bạn rời bỏ. Và nó nghe như thể bạn sẽ mất luôn chỗ mình đang đứng. Và nếu bạn không ra khỏi giường – thứ mà lẽ ra sẽ xảy đến với bạn sẽ xảy ra với một người nào khác.”
Bỗng dưng tôi đâm sợ. Tôi sợ mình trở nên quá hững hờ với cuộc sống này. Có biết bao câu chuyện của những người xung quanh cần được lắng nghe, thấu cảm. Tôi nghe được đến đâu? Những thành phố mà tôi đi qua, tôi chỉ nhìn thấy được những thứ hào nhoáng bề mặt dù vẫn tự cho rằng bản thân mình cũng cố gắng hoà nhập, quan sát cuộc sống bình dân xung quanh ở những nơi đó.
Nhưng liệu điều đó đã đủ?
New York hay Sài Gòn đều khiến tôi nhận ra rằng những hỗn loạn hay nhếch nhác mà tôi nhìn thấy đều là một khuôn mặt khác của cuộc sống này, của nơi mà tôi được may mắn sinh ra và lớn lên. Quê hương không phải là một lý tưởng mà tôi theo đuổi nhưng tôi luôn cảm nhận được sự gắn bó đậm sâu mà tôi có được với nơi này. Mối dây gắn bó chặt chẽ đến nỗi khi màn đêm buông xuống, nhìn thấy dòng đường đầy xe cộ và nghe những tiếng ồn của sự hỗn loạn cũng khiến tôi cảm thấy lòng mình lắng lại, rằng tôi thuộc về nơi này, tôi được cưu mang và nuông chiều.
Còn bạn, bạn nghe thấy điều gì?
Hay, thú vị
Tôi sợ đến những nơi ồn ào như SG và NY. Chẳng thích thú gì