
Cách đây 4 năm, tôi đến Seoul rồi lên Pyeong Chiang để dự Thế Vận Hội Mùa Đông. Khi ở Seoul, tôi có đặt 2 đêm homestay tại một ngôi nhà cổ trong làng cổ Hanok. Cô chủ ngôi nhà mấy trăm năm này có 1 sân vườn nhỏ giữa gian nhà, mái ngói xưa cũ phủ một lớp tuyết dày. Trong một buổi chiều ngồi một mình ngắm tuyết, tôi chợt chú ý đến chậu cây mỏng mảnh với lớp lá đỏ rung rinh trong gió tuyết. Khi ngắm nhìn những chiếc lá bám cành vào mùa đông, tôi chợt thấy lòng mình lắng nhẹ, tôi tĩnh tâm và tự nhiên thấy mình thật hạnh phúc.
Một năm sau, tôi tình cờ mua và tải về đọc cuốn e-book “Anger” (Cơn giận) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh bởi vì tôi luôn cảm thấy bị trói chặt trong sự giận dữ và bất mãn của chính bản thân mình. Tôi hoàn tất cuốn sách đó chỉ trong 2 ngày vỏn vẹn.
Tôi cũng trải qua vài đợt coaching để tìm ra cội rễ của sự giận dữ tiềm tàng đó để học cách nhận biết, hiểu và đối diện với nó. Tôi lại mở cuốn sách Anger đó ra đọc kỹ lại. Lần này, tôi đọc trong vòng 2 tháng. Cứ mỗi chương ngắn gọn, tôi lại mất vài ngày để tự suy ngẫm, viết ra suy nghĩ của mình và tự vấn bản thân rất nhiều. Đọc sách chậm trở thành 1 thói quen giúp tôi tĩnh tâm và phục hồi tâm trí mình vào mỗi ngày Chủ Nhật.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch.
Di sản mà Thiền sư để lại cho đời kể rất nhiều ngày cũng không hết.
Tôi vẫn nhớ mình đã nghe câu nói “Người ta chỉ nhớ bạn là người thế nào khi bạn chết đi” ở đâu đó. Thiền sư ra đi, tôi sẽ nhớ tới người và những tác động sâu sắc lên tâm trí của tôi qua từng dòng người đã viết ra từ tâm.
Tôi lại nhớ đến duyên gặp gỡ Phật sống ở Bhutan và vị Phật sống ấy đã nói với tôi rằng “Karma (luân hồi) cơ bản chỉ là hệ quả của mỗi sự lựa chọn. Lựa chọn tốt sẽ dẫn đến kết quả tốt. Hệ quả xấu sẽ dẫn đến từ lựa chọn không hay”. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nhắc nhở này. Trong những tình huống mà lẽ ra tôi nên giận dữ, điên cuồng, bấn loạn thì tôi đã chọn lựa cách bình tĩnh, lùi lại và ngẫm nghĩ trước khi đi tiếp. Tôi mơ hồ thực hành những điều dạy mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã biên trong sách. Và điều đó giúp tôi an tâm hơn, thoải mái và tự tại hơn.
Tôi đã ngừng đọc những tin tức thị phi hằng ngày từ 2016 vì tôi bắt đầu sàng lọc thông tin tiếp thu vào đầu. Nhiều người bảo tôi bàng quan với thiên hạ, với cuộc sống nhưng tôi lại không nghĩ thế. Tôi vẫn đau lòng khi nghe người dân thành phố mình chịu biết bao mất mát trong các mùa Covid. Tôi vẫn thương xót những cảnh đời yếm thế, khổ đau và tôi luôn tìm cách giúp đỡ họ, trong khả năng của mình. Như vậy thì thế nào gọi là bàng quan? Bỏ qua các tin tức thị phị đầy tiêu cực hoặc không có giá trị gì với cuộc đời & tâm trí của bản thân được xem là bàng quan? Nhìn thấy những mảnh đời cơ cực và tìm cách giúp đỡ dù ít dù nhiều trong lặng lẽ là bàng quan ư? Thú thật là tôi không quan tâm lắm đến việc người ta nghĩ gì về mình, về con người của mình. Tôi cảm thấy thoải mái và vui vẻ, ưng ý với những chọn lựa và hành động của mình. Thế là đủ.
Chúng ta liệu có luôn cần sự công nhận hay ái một của biết bao người để biến nó thành lẽ sống không?
Sống theo nhận định và kỳ vọng của người khác liệu có vui?
Đẹp hay xấu được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn nào?
Giờ thì tôi cũng không quan tâm đến nữa. Tôi có nhiều niềm vui khác cho riêng mình. Thế là đủ.
Có thể nói, Anger là cuốn sách duy nhất của Thiền sư mà tôi từng đọc cho đến lúc này. Tôi sẽ đọc tiếp cuốn sách khác khi tâm mình phần nào trong sáng như tuyết, nhẹ như gió nhưng vẫn vững vàng kiên định như chiếc lá mà tôi thấy ở Seoul giữa mùa đông giá buốt.
Xin được tiễn Thiền sư về cõi vô lo. Người đã sống một cuộc đời rất toàn vẹn rồi.