
Sang nhà chị bạn chơi, uống vài ly vang, nhấm nháp đồ ăn và tiếp thêm một chị nữa vừa kinh doanh thiết kế nội thất vừa là ca sĩ chất chơi, tôi thấy thần trí mình thư giãn vào tối thứ 6. Ừ thì, một tuần dài căng thẳng cũng sắp trôi qua. Chúng tôi nói những chuyện vui, thi thoảng cười phá lên. Thời gian cũng vì vậy mà trôi qua khá nhanh.
Chị bạn nghệ sĩ bảo mình nên đổi nhạc khác. Thế là chị cố tìm cách kết nối điện thoại vào loa bluetooth nhưng mãi không làm được. Vậy là chị bật nhạc từ loa ngoài điện thoại của mình. Một bài nhạc trên Youtube. Người chơi piano là 1 du học sinh ở Nga. Anh nhìn rất lãng tử và chơi nhạc du dương, mặt đượm buồn. Gần cuối bài, đột nhiên có tiếng accordion hoà vào làm tôi ngạc nhiên. Đây là tiếng nhạc rất quen thuộc mà ba tôi hay chơi trên chiếc accordion to kềnh của ông khi tôi còn bé. Nỗi nhớ ùa về. Tôi chảy nước mắt, lặng người đi.
Chị đang say sưa kể về bài nhạc và một bức hình kỷ niệm ở Đức cùng những người chơi đàn accordion và thấy tôi rơi nước mắt, chị ngạc nhiên lắm hỏi sao tôi lại khóc. Tôi phải lấy hết bình tĩnh, hít một hơi, gạt nước mắt và nói nhẹ “Ba em cũng chơi accordion rất giỏi. Nhưng ông mất rồi, không chơi đàn nữa”. Chị cũng lặng người, nhìn tôi một lúc, sau đó chị cũng im lặng để nghe bài nhạc cứ du dương vang lên giữa đêm.
Tiếng đàn đó. Tiếng đàn khiến tôi xiết bao ngưỡng mộ ba mình, một du học sinh ở Nga những năm 60-70 đầy khốn khó. Cũng vì những cung điệu đó mà tôi ham mê âm nhạc, nuôi ước mơ chơi nhiều nhạc cụ và ca hát. Ba tôi thường bảo rằng chiếc đàn accordion của ông như người bạn chí thân, lúc buồn cũng chơi, lúc hạnh phúc vui vẻ cũng chơi, lúc nhớ nhà nhớ quê hương quặn thắt cũng chơi, thậm chí lúc đói mà chẳng có gì ăn cũng có thể chơi đàn. Accordion được gọi là đàn phong cầm, có tiếng sáo gió, lại có tiếng dương cầm, lúc du dương lúc vi vút, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe. Tôi nhìn chiếc đàn của ba mình với đôi mắt trẻ thơ đầy ngưỡng mộ. Tôi không cần thần tượng bất cứ nghệ sĩ phong cầm nào vì ba tôi chính là thần tượng trong tim tôi lúc đó, và đến tận sau này.
Ba tôi có một bài nhạc Nga ông rất yêu thích là Kachiusa. Bài hát đó rất phổ biến khi tôi còn bé và nó luôn làm tôi vui vì giai điệu sôi nổi của nó. Thế nhưng đến khi đọc và hiểu ta nghĩa của lời bài hát thì tôi mới nhận ra Kachiusa là một bài hát buồn nhưng chất chứa hy vọng. Lúc bé tôi chả nghĩ gì, chỉ yêu bài hát vì ba tôi chơi accordion bài ấy thường xuyên và hát bằng tiếng Nga cho tôi nghe. Sau này lớn và chững chạc hơn, đặc biệt khi nối gót ba tôi đi du học, tôi mới thấm thía lời bài hát đó. Đôi lúc, tôi thầm nghĩ chắc ba tôi đàn hát bài đó để gửi gắm những tình cảm lúc tôi sẽ lớn lên và rời khỏi vòng tay ông.
…
Ánh đèn vàng cứ lấp lánh trên mặt chị như những nụ cười nhỏ hấp háy. Tôi ngồi đó nhìn chị hút thuốc. Thi thoảng chúng tôi cụng ly bia với nhau và thả hồn vào giai điệu nhạc. Tôi kể cho chị nghe ba tôi là nhà vật lý mà tôi thì học dốt các môn khoa học tự nhiên thế nào. Chị phì cười. Tôi cũng cười nhưng trong lòng nhớ ba vô hạn.
Tôi đặt Grab về nhà. Chị tiễn tôi xuống đường và thơm tôi 2 cái lên má, ôm tôi thật chặt. Lên xe nhìn dáng chị liêu xiêu đi vào cái ngách nhà bé tí tối đen, tôi lại chảy nước mắt. Quả là cái duyên đã giúp tôi có những người chị hết sức tình cảm và đồng cảm. Điều đó làm tôi cảm thấy bớt cô đơn giữa thủ đô đông đúc này. Giờ khi xe lao trên đường khuya, tôi lặng lẽ ngồi đó, nghĩ tới ba của mình.
Ông hẳn là đang dạo chơi, có lẽ ông cũng đang chơi đàn Accordion và hát những bài hát Nga ông hay hát cho tôi thời bé.
Tiếng hát yêu thương bay xa mãi mãi vang trong tim ta
Chặng đường xa xưa đi mãi đâu thấy bến bờ
Dù cho năm tháng trôi qua đàn ơi vang mãi trong tim ta
Hòa vang khúc hát yêu thương trên chặng đường xa
Trích lời bài hát Tình Ca Du Mục – nhạc Nga