Nhấc lên được là buông bỏ được

Let go

Bài này tôi không có ý định ra vẻ thâm sâu hay nguy hiểm mà chỉ muốn chia sẻ một điều rằng đến một độ tuổi nào đó, chúng ta sẽ bắt đầu thấy ngấm hơn những câu châm ngôn hay thành ngữ mà khi còn trẻ trung vô tư nghe cho vui chứ không mấy hiểu.

Có lẽ mình cũng bắt đầu già rồi.

Tôi gặp khá nhiều chuyện không hay trong năm 2022. Có lẽ rất nhiều người cũng cảm nhận y như tôi, thậm chí tệ hơn. Nhưng tôi cũng có nhiều chuyện vui, ví dụ, nhìn thấy 2 sợi tóc bạc đầu tiên trên mái đầu của mình suốt gần 40 năm cuộc đời, hoặc có thêm những người bạn mới (và lớn) để chia sẻ và đồng cảm với nhau.

Có một lần gần đây, khi đi ngang qua Nhà Thờ Đức Bà, tôi nhìn lên tượng đức mẹ đang giang đôi tay với gương mặt hiền hòa như muốn bao bọc mọi người. Dù lúc đó, trong đầu tôi đang có hàng nghìn tia suy nghĩ chồng chéo, lòng tôi bỗng dịu lại và những tia điện xẹt kia cũng chìm xuống dần. Tôi lại nhớ lời nói đơn giản của ba mình:

Ừa, sống sao cũng được. Miễn là vui!

Tôi có thực sự vui không?

Tôi gần như bỏ hết những mối quan tâm và thói quen thường nhật của mình để rút vào lớp vỏ ốc của bản thân để suy nghĩ, soi rọi và đúc kết cho chính mình. Sự mệt mỏi của tinh thần và cảm xúc nó đáng sợ hơn rất nhiều so với sự rã rời của thân thể. Tôi vẫn chìm dần với vết thương trong tim và lỗ hổng bị khoét sâu hoắm khi ba tôi ra đi bất ngờ. Sau hơn một năm, tôi nghĩ tôi sẽ có thể trở lên lành lặn hơn nhưng đó có lẽ là một quá trình rất dài, dài hơn tất thảy những gì tôi có thể tưởng tượng được.

Rồi sau một năm, tôi cũng nhận ra công việc mình đã đổ hết tâm sức, nhiệt huyết và nguồn năng lượng vào hòng tìm thấy được sự phù hợp, hoàn toàn không phù hợp. Không phải tôi không yêu công việc nhưng đúng là tôi hoàn toàn không phù hợp với lĩnh vực đó dù bản chất công việc vẫn là như thế. Những gì tôi và đội nhóm của mình dầy công xây đắp không được nhìn nhận một cách đúng mực. Thị trường tụt dốc không phanh tạo thành một cú tát thật lực vào mặt tất cả chúng tôi. Mọi người trở nên cay nghiệt hơn và nghi ngờ nhau. Khi lòng tin vỡ tan, con người ta chỉ nhìn thấy mặt chưa tốt của nhau. Chúng ta nghi ngờ lẫn nhau, thường xuyên nghĩ rằng ai kia sẽ đâm vào lưng mình lúc bản thân mình ít cảnh giác nhất. Đó là một loại cảm xúc hết sức tồi tệ gây ra rất nhiều tổn thương và hệ lụy không ngờ tới. Dù tôi có xù lông, xòe vuốt, nhe nanh hay dựng lên hàng rào chông gai để bảo vệ đội ngũ của mình, tôi cũng dần kiệt quệ. Cuộc chiến tâm lý không khoan nhượng đó hút hết mọi năng lượng tích cực mà tôi ra sức bồi đắp cho tinh thần chiến đấu của mình và cho đội ngũ của mình. Rất nhiều lần, tôi bật khóc trong đêm và tự vấn lương tâm mình:

Tôi đang làm gì bản thân mình thế này?

Cuộc chiến này liệu có xứng đáng cho sự hy sinh này của mình không?

Một câu nói cứ văng vẳng trong đầu tôi liên tục “Choose your battle!” (tạm dịch “Hãy chọn cuộc chiến của riêng mình”). Bản thân tôi vốn dĩ là một người rất hiếu thắng và yêu sự kích thích tạo ra bởi những cuộc tranh đấu và bởi cái quyết tâm chứng mình là người đúng. Nhưng trong những cuộc chiến không hề có đúng và sai, phần thưởng cho người thắng cuộc sẽ là gì? Sẽ là một người khác (đối phương) gánh chịu những hậu quả và thương tổn cuộc chiến này gây ra. Sẽ là một người ở lại và người kia ra đi. Người thắng cuộc có thể tận hưởng được chút cảm giác hào quang nhưng rồi họ lại bị cuốn vào một những cuộc chiến khác. Một cái vòng lẩn quẩn mà rốt cuộc, không ai nhận được kết quả gì đáng để tự hào. Khi dừng chân và lùi bước để nhìn kỹ hơn, hẳn là bạn cũng sẽ chiêm nghiệm được điều đó.

Tôi đã từng nói với bản thân mình và cả bạn bè mình cách đây vài năm rằng “Có những thứ ta nhấc lên được thì ta cũng có thể buông bỏ được”. Nghe rất thâm sâu đấy nhưng mỗi lần buông bỏ là mỗi lần tôi đối diện với sự khó khăn, với khổ tâm và những cuộc đấu tranh tâm lý hỗn loạn. Tôi tiếc những gì mình đã tạo ra, mình đặt tên và cảm thấy tự hào. Tôi cảm thấy không cam tâm với những gì mình gần đạt đến, trong tầm tay và có vẻ như sẽ thuộc về mình. Tôi cũng ân hận vì đã không thể làm tốt hơn, nỗ lực hơn, hoàn thiện hơn. Tôi lo lắng sợ người khác nghĩ rằng mình là kẻ bại trận hoặc đầu hàng khi chiến trận đang diễn ra. Tóm lại, tôi đã nghĩ ngợi quá nhiều, suy diễn quá nhiều, đẩy cảm xúc lên xuống quá nhiều về những thứ có thể buông xuống được nhẹ nhàng và cả xã hội không mấy để tâm đến.

Vậy thì khi nào mình mới sống cho chính mình hay mình vẫn mãi lo lắng về những suy nghĩ của bao người khác?

Câu hỏi khi nào luôn là một câu hỏi khó trả lời nhất vì con người chúng ta vốn dĩ rất hay “giờ dây thun”, đặc biệt là “dây thun” với chính bản thân mình hay những gì mình nghĩ là dễ thực hiện. Việc buông bỏ này không chỉ là buông bỏ chỉ một vật hay một việc cụ thể mà nó còn là việc xếp đặt cảm xúc, suy nghĩ, những thứ liên quan và cả những người liên quan một cách hợp lý trước khi thả tay. Sẽ có những câu tạm biệt cần được nói. Sẽ có những cái ôm cần được trao. Sẽ có nước mắt từ khóe mắt của ai đó hoặc chính bản thân mình. Sẽ có những lời trách móc mà chúng ta phải đón nhận dù nó có đúng hay vô lý. Việc buông bỏ là cả một quá trình nhìn nhận, thấu cảm và quyết định trong thời khắc khó khăn nhất. Chính vì thế, nó không hề dễ dàng. Và cũng chính vì thế, nó không có một “deadline” nhất định.

Tôi buông khi tôi cần phải buông.

Và đó chính là lúc này – kết thúc một năm 2022 lạ kỳ và khởi đầu 2023 khó đoán trước.

Tôi sẽ tiếp tục hành trình tập cách sống cho bản thân mình nhiều hơn, khiến cho mình hạnh phúc hơn. Cho nên khi bạn thấy tôi chẳng màng đến những gì bạn nói ra, ấy không phải vì tôi không quan tâm hay không xem trọng ý kiến của bạn mà vì tôi đã chọn buông tay những gì không nên được níu giữ, trong đó có cả những lời nói khen chê của người đời. Những khoảnh khắc như vậy, tôi sẽ cần đến bạn lắng nghe trong im lặng hoặc ôm tôi một cái thật chặt. Đó đã là những mến thương tuyệt vời rồi.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s