Bài viết này xin được dành trọn những tán lá phong vàng đỏ rực rỡ ở Iwate.
Dù tâm trí vẫn chia năm xẻ bảy cho công việc bộn bề, tôi vẫn bắt mình phải bước ra khỏi cửa và đi khám phá một danh lam thắng cảnh nơi mình ở. Tôi nói chuyện với mẹ host và bà gợi ý tôi nên đến Hiraimizu – một quận nhỏ cách Mizusawa 20 phút đi tàu điện. Hiraimizu cũng là cụm Di Sản Văn Hoá Thế Giới và chứa đựng “Quốc Bảo” (vật báu của quốc gia). Tôi hào hứng quá, đồng ý ngay và được mẹ host của tôi chở đến ga tàu Mizusawa.
Mặt trời lên cao toả những tia nắng ấm áp rất cần thiết cho tiếp lập đông. Tôi đến ga Hiraizumi và phải lay hoay đi rút tiền Yên Nhật để đến khi mua vé đi bus vòng quanh các điểm Di sản Văn Hoá thì trễ luôn chuyến bus. Tôi nhìn lại bản đồ và cẩm nang thì nhận ra rằng ngôi chùa đầu tiên – Motsu-ji chỉ cách chỗ tôi đứng có 700 mét đi thẳng mà thôi.
Tôi đi bộ trong nắng ấm và chẳng mấy chốc tôi đã thấy cổng chùa Motsu-ji xa xa, hai bên đường đi là dãy cây phong mỏng manh với lá đỏ rung rinh trong cơn gió nhè nhẹ đầu đông. Bước qua mỗi cây phong, tôi đều dừng lại chiêm ngưỡng sắc đỏ rực rỡ của tán lá phong trên nền trời xanh ngắt không gợn mây. Đột nhiên tôi nghĩ thầm “Sao cây cối lại thông minh thế? Chúng không những biết cách thay đổi bản thân để thích nghi với thời tiết từng mùa mà còn biết cách tận dụng “vốn tự có” để quyến rũ con người”.
Motsu-ji là một ngôi chùa cổ. Nhiều người cho là đã Motsu-ji được lập ra từ năm 805 bởi Ennin (Jikaku Daishi – lãnh chúa vùng Tendai). Quá trình xây dựng quy mô lớn khởi công vào thế kỷ thứ 12, dưới thời cai trị của lãnh chúa Fujiwara no Motohira và được hoàn thành bởi con trai ông là Hidehira. Motsu-ji vừa được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt vừa được xem là Danh lam thắng cảnh bậc nhất góp phần nâng tầm giá trị văn hoá của vùng Sendai.
Vào thời hoàng kim, Motsu-ji là ngôi nhà của hơn 40 cụm đình chùa và đền đài. Sảnh chính Enryu-ji được đánh giá là hoàn toàn “không có đối thủ” trên khắp vương quốc mặt trời mọc. Trong khuôn viên của chùa Motsu-ji, có hai hồ nước tự nhiên một to một nhỏ tượng trưng cho âm dương trong cuộc sống, đồng thời là biểu tượng của sự thanh lịch trong nghệ thuật kiến trúc trang viên vào thời Heian lúc bấy giờ.
Ở giữa hồ nước lớn, có một cụm đá được sắp xếp để thể hiện hình ảnh chim hạc đang múa. Hình ảnh chim hạc được sử dụng nhiều trong nghệ thuật hội hoạ và điêu khắc của Nhật, đặc biệt thịnh hành lúc Phật giáo phát triển đỉnh cao ở quốc gia này. Hiraizumi được xem là vùng đất thanh khiết của Phật giáo tại Nhật (Pure Land of Buddha). Tất cả kiến trúc và không gian nơi này mang đậm dấu ấn thiên nhiên, mộc mạc, đơn giản và chân thật đến mức tôi cũng cảm thấy xúc động khi ngắm nhìn.
Đi dạo quanh khuôn viên chùa Motsu-ji, tôi cảm thấy lòng mình bình tĩnh lại. Tôi ngồi xuống ghế đá, ngắm nhìn mặt hồ tĩnh lặng và nhận ra đây là thời điểm tuyệt vời để nhìn lại một năm vừa qua. Tôi đã làm được gì? Tôi có hạnh phúc không? Tôi đã bớt thói sân si thêm chút nào chưa? Tôi nhìn những hàng cây đổ bóng xuống mặt đường nhỏ để cố nạp thêm năng lượng xanh cho bản thân mình. Tôi nhìn mặt hồ để trấn tĩnh những luồng suy nghĩ đang hết sức hỗn loạn. Tôi nhìn bầu trời xanh mát để xua đi những lo lắng thường ngày. Ừ thì, con người ta thỉnh thoảng chỉ cần một nơi an yên thế này để trong một phút giây dù ngắn ngủi, cũng có thể quay đầu nhìn lại bản thân và trân quý những gì mình đang có.
Đi dạo quanh hồ dưới những tán cây thông, cây tùng, tôi phát hiện ra cuối đường có một cây phong đỏ rực đầy lá. Cuối thu đầu đông vậy mà lá phong đỏ vẫn còn nhiều lắm. Cây phong thân nhỏ, cành khẳng khiu vậy mà cứ vươn ra những tán lá đỏ hứng lấy nắng thu khoe sắc rực rỡ cả một góc vườn. Tôi vươn tay cầm nhẹ một cành phong để ngắm kĩ hơn từng chiếc lá, lòng thấy thật mãn nguyện vì cuối cùng, tôi cũng được xem lá phong đỏ dù trước đó vài ngày khi ở Yamagata với đỉnh núi phủ tuyết, tim tôi gần như nứt vài đường vì chẳng còn thấy lá phong đỏ đâu cả. Đây không phải lần đầu tôi xem lá đỏ ở Nhật nhưng mỗi lần thấy lá đỏ là mỗi nơi khác nhau với hàng loạt cung bậc cảm xúc khác nhau.
(Còn tiếp)