Nghỉ ngơi cùng cơn cảm cúm

Đôi khi, vơ vào mình một cơn cảm gió hay cúm cũng là một điều hay. Vì sao ư? Đối với một người tham công tiếc việc như tôi, buông bỏ công việc trong một vài giờ thôi đã khiến tôi mang cảm giác tội lỗi nặng nề. Em MacBook Pro trở nên cực kỳ quyến rũ, cứ mời gọi “Mở em ra đi. Chị sẽ làm được nhiều việc và chị sẽ luôn thấy hạnh phúc ấy mà”.

Yeah right!

Cách đây vài năm, tôi làm một bài kiểm tra xác định “sức mạnh bẩm sinh” (gọi là “Talent you’re born with”). Kết quả không khiến tôi ngạc nhiên lắm như sau:

Achiever (Nôm na là “Bệnh thành tích”): đây là một trong những nét tính cách nổi bật của những người là con thứ trong gia đình có vài anh chị em vì họ phải cạnh tranh dữ dội để có được sự chú ý và công nhận trong gia đình. Khi họ làm gì, họ sẽ nỗ lực 150% để đạt được kết quả tốt nhất. Với họ, không có từ “thua cuộc” trong từ điển và “bỏ cuộc” hay “đầu hàng” là những từ cấm nhắc tới. Những người với sức mạnh của Achiever sẽ không chấp nhận từ bỏ, họ kiên trì và có thể nghĩ đến mọi cách để đạt được mục tiêu. Nếu họ có thất bại, họ sẽ bị đánh gục từ trong ra ngoài, dễ bị khủng hoảng và sụp đổ cũng như cần rất nhiều thời gian để hồi phục và gượng dậy đi tiếp.

Activator (đại khái là “Nhân tố kích hoạt”): những người có sức mạnh này sẽ có khả năng thúc giục mọi người trong nhóm hoặc công ty hành động nhanh chóng để nắm bắt cơ hội hiếm có. Với họ, cơ hội chỉ đến một lần và cần phải được tận dụng. Thế nên họ sẽ không chờ đợi và nhảy ngay vào công việc, hành động nhanh, cụ thể và lèo lái mọi người làm theo. Với họ, chờ đợi là điều không tưởng, đặc biệt là chờ đợi một dự án hoặc công việc khởi động. Họ như một quả bom luôn cháy ngòi nổ và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Mọi người xung quanh cần có Nhân tố kích hoạt để thấy được châm ngòi và phản ứng nhanh nhưng đôi khi nhanh quá, mọi người sẽ cảm thấy bị choáng ngợp vì sẽ có những người giữ trong người sức ì lớn.

Positivity (Gọi đại là “Làn gió tích cực”): đây là một thể loại sức mạnh cực kỳ phức tạp. Những người có khả năng bẩm sinh này luôn nhìn mọi việc theo lăng kính xanh ngắt một màu hy vọng. Điều này hữu ích ở chỗ họ trở thành làn gió tích cực đến cho cộng đồng những người xung quanh họ, giúp mọi người lạc quan và tự tin hơn rằng mình sẽ cùng nhau vượt qua giông bão và đến bán đảo đầy ánh bình minh cầu vồng. Ở một khía cạnh khác, những người mang sức mạnh này có xu hướng bỏ qua những điểm chỉ rủi ro hoặc các đánh giá về hiểm nguy vì họ dễ bị mờ mắt với sự tự tin đôi khi quá mức của mình. Những người này cần một người có khả năng kéo lại và phân tích lợi ích cũng như rủi ro tiềm tàng để họ có thể bình tâm lại và chọn những nước cờ sáng suốt hơn.

Creativity (còn có tên là “Những kẻ mộng mơ”): những người có khả năng này luôn nghĩ ra những ý tưởng mới mọi lúc mọi nơi, trong khi ăn, ngủ, toilet, đi chơi, buồn, vui, coi phim, nghe nhạc, đọc sách, làm việc, vân vân và mây mây. Ý tưởng cứ nổ lốp bốp như bắp rang nên đôi khi họ cũng không biết phải đi với ý tưởng nào. Họ cũng thường xuyên quên ghi nhận lại các ý tưởng hay ho độc đáo của mình và cũng ít có thời gian đánh giá mức độ khả thi của các ý tưởng đó. Tuy nhiên, những người với sức mạnh này thường phù hợp làm trong lĩnh vực sáng tạo và truyền thông vì đó là nơi họ toả sáng và hạnh phúc nhất.

Communicator (hay bị liệt vào “Chém gió tạo bão”): những người có sức mạnh này có khả năng giao tiếp và thuyết phục người khác cực cao. Nếu họ làm trong lĩnh vực bán hàng hay chăm sóc khách hàng, khách hàng của họ chỉ có thể từ chết đến bị thương với khả năng “chém” bá đạo của họ. Họ có tài khiến cho chủ đề họ nói trở nên cực kỳ hấp dẫn, người nghe đâm ra say mê và gần như tin sái cổ những gì họ nói. Không chỉ nói hay, họ còn có khả năng viết lách rành mạch và rõ ràng được mọi người đánh giá cao. Tuy nhiên, “chém gió” hay chưa chắc đã là một người thương thảo tốt nên nếu họ có thể kết hợp được với một nhân vật có cái đầu thương thảo xuất sắc, cặp “song kiếm hợp bích” này sẽ khó mà có đối thủ.

Với những “sức mạnh” này trộn gỏi vào nhau và “đậm đà” theo năm tháng, tôi gần như biến mình thành một nữ siêu nhân làm việc không ngừng, không mệt mỏi và không sợ hãi trước bất một điều gì. Có một chuyên gia tâm lý đã bảo tôi rằng tôi có khả năng “thu hút” năng lượng của người khác và biến nó trở thành năng lượng của mình. Nghe xong, tôi cứ nghĩ sao mình giống … Bạch Cốt Tinh ghê! Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì thấy người chuyên gia đó nhận xét rất có lý. Tại sao tôi càng diễn đạt hay nói thì tôi lại càng hăng hái? Tại sao việc càng khó tôi lại càng say mê? Tôi luôn cảm giác có một ngọn lửa luôn cháy lớn thiêu rụi mọi thứ trong người tôi phát ra. Bạn bè tôi sau này đùa tôi bảo chắc tôi tích nhiều năng lượng nên phải đốt chứ không năng lượng chuyển hoá thành mỡ thì sẽ … toi sớm.

Sếp cũ của tôi rất thương tôi. Chị bảo tôi chỉ có một vấn đề cần giải quyết cho bản thân là học cách điều chỉnh năng lượng cho từng việc theo thứ tự ưu tiên. Nếu không, thứ gì tôi cũng đốt bùng lên đám lửa thì tôi sẽ kiệt quệ rất nhanh. Tôi cảm ơn chị vì chị ấy nhận xét rất đúng. Tôi đã đi gặp nhiều chuyên gia và bác sĩ tâm lý để cùng tìm giải pháp phù hợp nhất nhưng có vẻ như tôi vẫn chưa tìm ra. Hành trình “tầm sư học đạo” để điều chỉnh bản thân, để sống chậm lại và bình tĩnh phân cách công việc ra khỏi cuộc sống riêng cứ thế tiếp tục với những điều mới tôi học hỏi góp nhặt được mỗi ngày.

Thế nên tôi không ghét cơn cảm cúm. Trên thực tế, tôi phải cảm ơn nó vì đây chính là một lý do chính đáng để tôi thuyết phục bản thân mình rằng mình phải dừng lại, phải nghỉ ngơi và phải làm một thứ gì không phải là công việc nhưng vẫn cho tôi thấy vui và hạnh phúc.

Vì vậy, hôm nay và vài ngày nữa, tôi sẽ nghỉ xả hơi cùng cơn cảm cúm của mình.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s