
Chị ơi, nhờ có chị bảo em, giờ em đã bớt sợ. Em đã dám nhận thêm việc và cứ làm tới vì mình sẽ không biết mình sẽ làm được gì nếu mình không dám thử.
– Trích lời một em gái tôi có cơ hội động viên & hướng dẫn trong việc tìm lại niềm vui làm việc –
Tôi viết một cái tút vu vơ có chút bức xúc lên mạng xã hội, thế là em chat với tôi (em học một lớp Digital Marketing tôi dạy trước đây). Em bảo em hoang mang như bị một cú trời giáng sau khi đọc những dòng tâm tình của tôi trên mạng. Thế là hai chị em gặp nhau, trò chuyện nhiều. Tôi động viên em, chỉ em cách tìm lại cảm hứng, nuôi dưỡng những thú vui lành mạnh và cách suy nghĩ tích cực để dẹp bỏ nỗi sợ hãi. Lý do vì tôi nhìn thấy khả năng của em có thể đi những bước xa, dài và dũng cảm. Em ghi chép cẩn thận vào sổ tay rồi chị em chia tay nhau.
Bẵng đi vài tháng, tôi gặp lại em ở Hà Nội rồi hai chị em lại ngồi tỉ tê bên một khung cửa sổ hết sức lãng mạn gần phố Tràng Tiền. Em khoe với tôi em nhận thêm công việc từ startup của bạn tôi mà tôi giới thiệu cho em. Mắt em sáng lấp lánh, nụ cười rất tươi trên môi khi em nhiệt tình kể tôi nghe em đã tự một mình đi Cambodia thế nào, quen được những người bạn mới, vượt qua được sự tự ti rằng khả năng ngoại ngữ của bản thân mình chưa tốt. Tôi suýt không nhận ra em từ cách đây vài tháng nữa. Cô gái trẻ ngồi trước mặt tôi lúc này có gương mặt sáng bừng, nụ cười đẹp và tràn đầy tự tin. Tôi vui trong bụng và tôi khuyến khích em hãy tiếp tục bước đi, tiếp tục làm việc mà mình yêu thích rồi dành dụm tiền để đi đó đây, viết blog hoặc viết nhật ký, tiếp tục khám phá cách làm mỹ phẩm thiên nhiên và những thứ đầy màu sắc xung quanh mình. Khi dẹp qua được nỗi sợ, em đã là một con người rất khác, mang theo một nguồn năng lượng rất khác, bùng cháy như pháo hoa đêm hội.

Có những nỗi sợ hãi đến từ các sự kiện không hay, rủi ro, chấn thương khiến cho chúng ta bị ám ảnh và dần hình thành một nỗi sợ hãi sẽ luôn xuất hiện chế ngự chúng ta khi rơi vào những tình huống tương tự. Lúc tôi khoảng 4-5 tuổi được đi tắm biển cùng bố mẹ ở Vũng Tàu, lúc đó tôi bơi giỏi như hải ly vì trường mẫu giáo có dạy bơi và tôi cực kỳ thích nước và thích … dọc nước. Ấy vậy mà tôi lại bị hụt chân và ngợp nước, chìm nghỉm nhưng chưa kịp chết đuối do bố tôi thấy được và tức tốc bơi tới túm tóc tôi kéo lên khỏi mặt nước. Cái cảm giác chìm dần, mắt tối sầm và ngực không thở được, mất hết kiểm soát tay chân và sự sống dần rời khỏi cơ thể nó đáng sợ đến nỗi, tôi không còn dám bước xuống biển hay thâm chí là bể bơi trong suốt hai mươi năm sau đó. Bạn bè đồng nghiệp có vui đùa hò hét dưới hồ hay biển, tôi chỉ cười và ngồi co ro nhìn theo, trong lòng vừa tức, vừa ghen tỵ mà lại vừa sợ. Tôi để nỗi sợ chế ngự bản thân để bỏ qua những cuộc vui dưới nước mà lẽ ra tôi phải là một phần trong đó. Mọi thứ cứ diễn ra như vậy cho đến năm tôi 24 tuổi.
24 tuổi. Tôi quyết định đặt dấu chấm hết cho nỗi sợ hãi chết chìm của mình bằng cách đăng ký đi học bơi trở lại. Tôi coi như mình chưa bao giờ biết bơi và tôi đăng ký khoá học 9 tuần dạy bơi ếch, đứng nước và bơi sải. Tôi hùng dũng đeo phao lưng và phao tay như một đứa trẻ con và thậm chí là học chung với đám con nít. Vậy mà chỉ sau 3 lớp, tôi đã gỡ hết phao và bơi ếch thuần thục. Sau đó, thầy dạy tôi đứng nước và xử lý tình huống trong trường hợp có rơi xuống biển hay sông hồ. Tôi chưa bơi sải được do không chịu nổi nước đập vào hai bên tai nên tôi cứ tạm hài lòng với khả năng chống chết đuối và bơi ếch của mình vì slogan của tôi là làm gì làm miễn nổi trên nước là được. Thế là tôi lại biết bơi và tôi tự tin hơn khi nhảy xuống hồ bơi cùng bạn bè. Sau đó thì mọi người cũng biết tôi chèo SUP dù tôi không phải là 1 con hải ly bơi cực giỏi. Đi ra biển chèo tôi vẫn mặc áo phao đàng hoàng vì tôi không biết nếu gặp sóng dữ liệu tôi có đủ khả năng xử lý không. Thế nên tôi mặc áo phao để … bớt sợ. Và thế là tôi chèo SUP khắp nơi mà không sợ chết chìm nữa.

Lại có những nỗi sợ hãi hình thành như một sản phẩm phụ của quá trình được nuôi dạy và giáo dục cũng như định kiến trong xã hội. Lúc còn bé, chúng ta được dạy phải vâng lời bố mẹ, ông bà hoặc người lớn tuổi hơn. Chúng ta không được hỏi ngược lại hay cãi lý vì đó được xem là thái độ hỗn hào.
Khi đi học thì cấm không được cãi thầy cô vì nếu bạn làm vậy, bạn sẽ được xếp vào “thành phần bất hảo và … mất dạy”. Nếu mà bố mẹ đọc sổ liên lạc mà thấy nhận xét hạnh kiểm như thế thì coi như bạn no đòn.
Chưa hết đâu, bạn được xem là niềm hy vọng của cả gia đình nên bạn luôn phải hết sức cố gắng để không làm ông bà cha mẹ bị muối mặt. Vậy là bạn sợ bị điểm kém, bạn sợ bị mời phụ huynh và sợ thua kém ngay cả đứa bạn hàng xóm ngày ngày vẫn chơi banh đũa hay thảy gạch, ô quan, đập tường, bịt mắt bắt dê hay đi tắm mưa cùng bạn.
Rồi bạn lớn lên một tí, bố mẹ đặt đâu bạn ngồi đó đặc biệt là chuyện thi Đại học. Gia đình có truyền thống làm trong ngành Y nên bạn phải thi vào trường Y thôi không thì bố mẹ sẽ không thèm nhìn mặt bạn. Gia đình có truyền thống làm báo chí thì y như rằng, bạn thi vào khoa báo chí đi nhé để sau này ông bà còn chạy việc xin xỏ cho bạn. Bạn lơ ngơ như một chú nai tơ vào một khu rừng mà bạn chẳng biết cái gì đang chờ đợi mình trong đó.
Rồi đến chuyện tình cảm, chuyện giới tính, chuyện gia đình, chuyện công ăn việc làm, chuyện thăng tiến, chuyện văn phòng, gi gỉ gì gi cái gì bạn cũng … sợ. Bạn sợ người khác bảo mình béo quá. Bạn mất ăn mất ngủ vì sợ sếp nhận báo cáo xong thể nào mai cũng cho bạn ra cám vì báo cáo có thể bị sai một điểm nhỏ nào đó. Bạn đi ngang sếp lớn trong công ty bạn cũng sợ hết hồn, lỡ mình mà cười tự nhiên quá là sẽ bị sếp… quở.
Bạn. Một con người … sợ đủ thứ.

Có một người sếp cũ (sếp lớn) của tôi đã từng bảo tôi thế này: “Sao mọi người trong văn phòng cứ sợ sệt khúm núm khi nói chuyện với tao thế? Tao có cắn họ đâu. Nhưng sao mày lại cười nói không chút sợ sệt?”
Tôi cười và nói rằng “Tôi với ông đều là người đi làm công ăn lương. Thế thì việc gì tôi phải sợ? Đâu ai ăn đời ở kiếp với một công ty đâu. Người đến rồi người đi nên lúc ở cùng một nơi thì đối đãi với nhau vui vẻ để làm ra việc và sau này còn nhìn mặt nhau là được rồi. Sợ sệt đâu có giải quyết được cái gì”. Tôi chưa từng sợ ai vì người duy nhất trên cõi đời này “đáng sợ” với tôi là bà nội của tôi nhưng bà thì mất từ lúc tôi 16 tuổi nên giờ gần như trừ con rắn ra thì tôi không thấy sợ gì cả.
Sếp có gì mà bạn sợ đến vậy? Tại sao bạn lại co rúm khi sếp đi ngang qua? Tại sao bạn không dám nhìn thẳng vào mặt sếp lớn khi đang nói chuyện hay trao đổi công việc? Sếp có nhai đầu bạn rau ráu đâu nhỉ? Sếp cũng chả có khả năng hét ra lửa đâu mà nếu có thì cũng không dám do sợ bị bạn kiện vì dám mạt sát hay sỉ nhục nhân viên. Sẽ có hai trường hợp xảy ra khi bạn tỏ vẻ sợ sệt với sếp lớn. Một là sếp cảm thấy khó chịu vì mình có làm gì ghê gớm đâu mà nhân viên lại xa lánh và sợ hãi trốn chui trốn nhủi. Hai là sếp sẽ cho rằng mình có uy quyền và sẽ tận dụng cơ hội lấn lướt và dồn bạn vào góc kẹt hơn nữa. Cả hai tình huống này hoàn toàn không có ích lợi gì cho bạn cả nên tốt nhất là bạn cứ đứng thẳng lưng và nhìn thẳng vào mặt sếp dù sếp có to cỡ nào, nói chuyện bình tĩnh và dõng dạc vì đó cũng là cơ hội giúp bạn được để mắt đến.

Vậy thì làm sao để vượt qua nỗi sợ hãi?
Tôi nghe một người sếp lớn khác chia sẻ trong một cuộc họp với một phong thái thoải mái và dễ chịu rằng “Nếu bạn muốn vượt qua nỗi sợ hiện hữu, cách đơn giản nhất là hỏi chính bản thân mình là kết quả tệ nhất sẽ là gì nếu bạn chọn thực hiện việc khiến bạn sợ hay e ngại”.
Bạn có ý tưởng muốn chia sẻ, điều tệ nhất có thể xảy ra khi bạn muốn chia sẻ là mọi người cười bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn ngớ ngẩn nhưng sẽ có những người nhìn bạn với ánh mắt thán phục vì bạn đã dũng cảm nói ra mình suy nghĩ.
Bạn có dự án muốn theo đuổi nhưng bạn sợ nếu mình sẽ mất tiền và thời gian nếu dự án không có kết quả. Điều tệ nhất có thể xảy ra là bạn có thể mất tiền và nhiều công sức. Nhưng bạn vẫn sống sờ sờ ra đó, tay chân bộ óc vẫn còn nguyên. Thế thì bạn vẫn có thể tìm một công việc khác và bắt đầu lại việc kiếm tiền. Biết bao nhiêu tỷ phú trên thế giới đã từng “lên bờ xuống ruộng” với những dự án kinh doanh của mình, thậm chí mất hết nhà cửa nhưng họ không để nỗi sợ hãi đó chế ngự bản thân mà vẫn dấn thân tiếp bước.
Bạn thích một người nào đó nhưng băn khoăn liệu có nên bày tỏ tình cảm với người đó. Điều tệ nhất có thể xảy ra nếu bạn giãi bày tâm tư là gì? Người ta bảo bạn chỉ muốn giữ tình bạn chứ không đi xa hơn thế. Bạn đau khổ nhưng rồi bạn cũng vượt qua rồi biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, bạn lại gặp một người khác thú vị và cuốn hút hơn.
Tôi vẫn hay nói với các bạn trẻ hơn mình mỗi khi các bạn hoang mang vì lỗi lầm hay trục trặc trong công việc rằng “Em nhìn đi, mặt trời có đang lặn xuống không?”. Em sẽ bảo “Dạ mặt trời vẫn lặn”. Tôi lại hỏi “Thế sáng mai 6 giờ sáng mặt trời có mọc lên không?”. Em sẽ lại đáp “Dạ mặt trời vẫn mọc lên”. Tôi sẽ tiếp lời “Vậy thì có phải tận thế chưa? Nếu chưa phải tận thế thì em sợ em khóc vì cái gì?”. Cuộc hội thoại đơn giản vậy thôi nhưng đủ để các bạn trẻ nhận ra rằng khoan hãy hoang mang vội.
Mặt trời vẫn mọc.
Mặt trời vẫn lặn.
Vẫn chưa là tận thế. Vẫn còn nhiều thứ để làm. Vẫn còn nhiều điều để học.
Thế thì em ơi, đừng sợ!!!